Thị xã Việt Yên: Chú trọng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân

Thời gian qua, thị xã Việt Yên đã thu hồi hàng trăm ha đất, liên quan đến nhiều gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình, dự án. Theo đó, nhiều hộ dân không còn đất hoặc bị thu hẹp diện tích đất sản xuất phải chuyển đổi nghề nghiệp. Nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, thị xã luôn chú trọng hỗ trợ, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm đời sống cho người dân.

Nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Việt Yên, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng, thu hồi hơn 374,4 ha đất (liên quan đến gần 16,3 nghìn lượt hộ dân) để thực hiện các công trình, dự án. Các hộ bị thu hồi đất đều được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề theo quy định, với tổng kinh phí gần 578 tỷ đồng. Để giúp các hộ bị thu hồi đất sản xuất có việc làm mới, bảo đảm thu nhập, ngoài kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đã tính gộp vào tiền đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất, thị xã còn lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề, giúp người dân khởi nghiệp. Trong đó, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939 do Chính phủ ban hành) là một trong các chương trình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã triển khai thực hiện hiệu quả.

 Chị Phùng Thị Mai (người đứng), tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh hướng dẫn học viên thực hành sơn, sửa móng tay.

Chị Phùng Thị Mai (người đứng), tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh hướng dẫn học viên thực hành sơn, sửa móng tay.

Gia đình chị Phùng Thị Mai (SN 1993), tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh (thị xã Việt Yên) bị thu hồi gần 1 mẫu ruộng. Không còn đất sản xuất, chị Mai đang băn khoăn chưa biết chọn nghề nào phù hợp thì đầu năm 2022 được mời dự lớp tập huấn “Phụ nữ Việt Yên khởi nghiệp kinh doanh cùng nữ doanh nhân” do Hội LHPN phường Nếnh phối hợp với Hội LHPN thị xã tổ chức. Tại đây, chị Mai được nghe các doanh nhân giàu kinh nghiệm chia sẻ về cơ hội khởi nghiệp, hành trình đến với thành công, tạo dựng cơ hội để làm chủ bản thân và giới thiệu nhiều nghề mới, trong đó có nghề spa (làm đẹp, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe). Sau buổi tập huấn, chị Mai quyết định học chuyên sâu nghề spa.

Cuối năm 2022, chị vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để mở cơ sở spa tại nhà. Ngoài tự làm đẹp cho khách, chị Mai còn thuê 4 lao động làm cùng và nhận đào tạo nghề. Sau hơn 1 năm hoạt động, cơ sở spa của chị đã đào tạo được 30 học viên. Hiện bình quân mỗi tháng, cơ sở thu lãi khoảng 70 triệu đồng. “Lớp tập huấn giúp tôi thay đổi hoàn toàn tư duy chọn nghề và cách thức kinh doanh. Tôi nhận thấy mình đang đi đúng hướng, làm chủ nghề đã chọn”, chị Mai tự tin nói.

Chị Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Việt Yên cho biết, chị Mai nằm trong số hơn 200 hội viên phụ nữ thị xã được Hội hỗ trợ khởi nghiệp thành công theo Đề án 939. Đa số các hội viên đều thuộc diện gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện các công trình, dự án tại địa phương.

Thực hiện Đề án 939, Hội LHPN thị xã còn hỗ trợ, thành lập và duy trì hoạt động 5 tổ hợp tác và tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn; 3 hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. 100% cơ sở Hội phối hợp với ngành chức năng mở 205 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và cung ứng phân bón cho hội viên phát triển sản xuất, thu hút hơn 12 nghìn lượt người tham gia. Qua các lớp tập huấn, nhiều học viên đã tham gia xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho giá trị kinh tế cao... có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Đa dạng hình thức hỗ trợ, đào tạo

Cùng với thực hiện Đề án 939, để giúp con em địa phương có việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp (DN), dịch vụ, UBND thị xã Việt Yên chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đa dạng hình thức hỗ trợ, đào tạo nghề cho học sinh. Đi đôi với dạy văn hóa, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã còn phối hợp với nhiều trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo 12 ngành nghề cho học sinh như: May thời trang, điện dân dụng, điện công nghiệp, tin học ứng dụng, thương mại điện tử…

 Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Việt Yên trong giờ thực hành nghề nấu ăn.

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Việt Yên trong giờ thực hành nghề nấu ăn.

Học sinh học nghề được hỗ trợ tiền học phí theo quy định; tốt nghiệp ra trường được Trung tâm giới thiệu đến làm việc tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài thị xã, bảo đảm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Vài năm gần đây, mỗi năm, Trung tâm đào tạo nghề cho từ 600 - 800 học sinh, khi ra trường, hầu hết có việc làm ổn định.

Từ năm 2021 đến nay, thị xã Việt Yên đã thu hồi hơn 374,4 ha đất, liên quan đến gần 16,3 nghìn hộ dân. Các hộ bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với tổng kinh phí gần 578 tỷ đồng. Hiện bình quân mỗi năm, thị xã đào tạo và giải quyết hơn 3 nghìn việc làm mới. Thị xã phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn có chứng chỉ đạt 40%.

Theo ông Chu Văn Việt, Giám đốc Trung tâm, trước nhu cầu học nghề ngày càng tăng, năm học 2024-2025, Trung tâm sẽ tuyển hơn 1,1 nghìn học sinh, tăng hơn 350 học sinh so với năm học trước. Hiện Trung tâm đang lập đề án xin mở rộng thêm 2,5 nghìn m2, xây mới 55 phòng chuyên môn và học nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao hiện nay.

Qua các hình thức hỗ trợ, từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm, thị xã đào tạo và giải quyết hơn 3 nghìn việc làm mới, vượt 23,3% mục tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 80%, tăng so với toàn tỉnh...

Theo bà Ngô Thị Lan, Trưởng Phòng LĐTBXH thị xã Việt Yên, thị xã phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 40%; mỗi năm tiếp tục tạo thêm hơn 3 nghìn việc làm mới. Để đạt mục tiêu đề ra, thị xã tiếp tục đa dạng hóa các hình thức dạy nghề; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp; nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học. Cùng đó, quan tâm định hướng cho người lao động tự chọn nghề và hình thức đào tạo, tìm kiếm cơ hội việc làm, tham gia sàn giao dịch việc làm của tỉnh.

Bài, ảnh: Bảo Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thi-xa-viet-yen-chu-trong-dao-tao-nghe-chuyen-doi-viec-lam-cho-nguoi-dan-074725.bbg