Thị xã Vĩnh Châu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã tập trung thực hiện phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào.

Giai đoạn 2019 - 2024, UBND thị xã Vĩnh Châu đã tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong đó đã tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua thực hiện, thị xã có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện chính sách, các địa phương đã hỗ trợ đất ở cho 84 hộ với số tiền 3.696 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 1.053 hộ với số tiền 10.530 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 503 hộ với số tiền 1.206 triệu đồng; hỗ trợ các mô hình kinh tế gần 5 tỷ đồng.

Các đồng chí lãnh đạo gặp gỡ, động viên đồng bào Khmer nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024. Ảnh: SONG LÊ

Theo thống kê của UBND thị xã Vĩnh Châu, hiện nay thị xã đang thực hiện thẩm định 15 mô hình nuôi heo, nuôi dê, nuôi bò, nuôi cua, nuôi tôm cho 352 hộ nghèo, hộ cận nghèo thụ hưởng. Ông Nguyễn Văn Sữa, ngụ xã Lai Hòa, một trong những hộ được hỗ trợ mô hình nuôi dê vui mừng với dự định sắp tới: “Lúc gần cuối năm 2022, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con dê theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Quá trình nuôi tôi thấy cũng khá đơn giản, chủ yếu lấy công làm lời, không tốn quá nhiều chi phí. Hiện tôi nuôi được 5 con, dự định sẽ tiếp tục tăng đàn nhiều hơn rồi mới bán”.

Thị xã Vĩnh Châu xác định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, định hướng giảm dần sản xuất, kinh doanh cá thể, hướng đến sản xuất liên kết hợp tác kết nối với doanh nghiệp để được cung ứng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành đầu ra. Tạo cơ hội cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS. Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc để việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đúng đối tượng, đúng quy định, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Một trong những hoạt động tiêu biểu trong công tác chăm lo đồng bào DTTS là hỗ trợ 693 căn nhà, với số tiền 30.492 triệu đồng. Ông Thạch Hoàng Sơn, ngụ phường Vĩnh Phước được bàn giao nhà trước dịp tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 chia sẻ: “Tôi sống chủ yếu làm thuê, muốn lên thành phố lập nghiệp nhưng con cái không ai lo nên phải bám trụ lại quê. Vợ chồng làm được bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ chi tiêu, xây nhà là mơ ước nhiều năm nay, nhưng bây giờ đã thành sự thật”. Ngày được Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và lãnh lạo các sở, ban ngành, lãnh đạo Thị ủy Vĩnh Châu đến bàn giao nhà và động viên, ông Sơn xúc động kể về hành trình vượt khó cùng ước mơ vươn lên trong cuộc sống, ngôi nhà là niềm tin, động lực để gia đình không ngừng phấn đấu vươn lên.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm thực hiện và kiện toàn. Toàn thị xã có 1.393/3.404 đảng viên là người DTTS, chiếm 40,92% tổng số đảng viên trong thị xã (đảng viên dân tộc Khmer là 1.090 người, chiếm 32,02%; đảng viên dân tộc Hoa là 303 người, chiếm tỷ lệ 8,9%). Cán bộ, công chức người DTTS tham gia cấp ủy thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 6/41 đồng chí và tham gia cấp ủy cấp cơ sở là 39/148 đồng chí.

 Khởi công xây dựng Trường Mầm non - Mẫu giáo Bồi Thanh. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Khởi công xây dựng Trường Mầm non - Mẫu giáo Bồi Thanh. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ông Thạch Soal, người có uy tín của thị xã Vĩnh Châu nhìn nhận rằng, thị xã Vĩnh Châu đã thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về chính sách dân tộc, nhất là trong sử dụng cán bộ người DTTS. “Khi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS được thực hiện tốt, cũng đồng nghĩa việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đi sâu, đi sát với đồng bào. Điều này là yếu tố then chốt tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các địa phương của tỉnh, từ đó góp phần tạo tiền đề để Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững” - ông Thạch Soal chia sẻ.

Công tác dạy và học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã được thực hiện tốt. Thị xã Vĩnh Châu có nhiều điểm trường dạy chữ Khmer với cấp học tiểu học và trung học cơ sở. Bên cạnh đó, thị xã Vĩnh Châu cũng có Trường Phổ thông cơ sở Dân lập Bồi Thanh và mới khởi công xây dựng Trường Mầm non - Mẫu giáo Bồi Thanh (nằm tiếp giáp mặt sau của Trường Phổ thông cơ sở Dân lập Bồi Thanh) với tổng diện tích 2.081,6m2, quy mô xây dựng gồm 1 trệt, 2 tầng lầu với 20 phòng học, phòng chức năng... Đặc biệt, vào dịp hè, trên địa bàn thị xã có nhiều điểm dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS.

Hiện nay, thị xã Vĩnh Châu có tổng dân số là 166.809 người, trong đó, dân tộc Khmer 87.318 người, chiếm 52,35%; dân tộc Hoa 27.873 người, chiếm 16,71%; dân tộc khác 62 người, chiếm 0,04%. Thị xã có 1.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%, trong đó hộ nghèo DTTS là 1.034 hộ; hộ cận nghèo là 5.150 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17%, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 3.701 hộ. Tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Vĩnh Châu có 9 xã, phường thuộc khu vực I, trong đó có 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn. Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS, thị xã Vĩnh Châu xác định sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn nữa trong công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến các xã, phường trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của thị xã.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thi-xa-vinh-chau/thi-xa-vinh-chau-phat-trien-toan-dien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-73976.html