Thích ứng an toàn trước dịch bệnh: Khác biệt chứ không cát cứ
VOV.VN -Trong quá trình triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, nếu còn vấn đề gì vướng mắc, khó khăn, địa phương nên xin ý kiến cấp trên để có phương án xử lý kịp thời; không nên tạo ra cát cứ riêng của từng địa phương, dẫn đến ách tắc.
Không để cục bộ, cát cứ
Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ban hành từ ngày 11/10, chia các địa bàn thành 4 cấp độ dịch: cấp 1 (nguy cơ thấp - tương ứng với bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Nghị quyết 128 ra đời đã tạo hành lang cho việc mở cửa thống nhất, hạn chế tình trạng cát cứ. Theo đó, các địa phương trên cơ sở định hướng của Trung ương cần xây dựng phương án cụ thể phù hợp với thực tiễn để làm sao vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa gạt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đi lại vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Bởi nếu chỉ tập trung chống dịch thì sẽ hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở về việc một số nơi chưa làm theo đúng Nghị quyết 128 làm ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho dân.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành rất kịp thời nhằm tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, cho nên vẫn phải kiềm chế ở một mức độ nhất định, nhưng cũng phải ưu tiên khôi phục sản xuất, kinh doanh. Mà muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH thì các điều kiện phải thông thoáng.
“Tinh thần chung của Thủ tướng là chúng ta phá bỏ rào cản, nhưng nơi nào vẫn còn nguy cơ thì phải kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết 128, các địa phương phải tập trung nghiên cứu và chấp hành theo đúng tinh thần đó, thể hiện sự tuân thủ ý chí chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, không thể để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng, ách tắc đến quá trình đi lại, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đời sống xã hội” – ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các địa phương vẫn tiến hành kiểm soát ở vùng nguy cơ cao, tuy nhiên, đối với vùng nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình thì không nên tạo ra những thủ tục, rào cản không cần thiết, làm khó người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn như người nào tiêm đủ 2 mũi vaccine, có thẻ xanh Covid-19, F0 khỏi bệnh thì địa phương cũng nên “mở cửa” chứ không nên đóng cửa, kiểm tra và tạo nhiều thủ tục hành chính là không nên.
Chia sẻ áp lực cũng như lo lắng của lãnh đạo các địa phương trong công tác phòng chống dịch, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu lơ là, chểnh mảng ở một khâu nào đó thì những kết quả trong suốt quá trình chống dịch vừa qua sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Song, các lãnh đạo cũng không nên lo lắng một cách quá mức, bởi các địa phương vẫn tiến hành kiểm soát một cách linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nhưng không trái với quy định của Trung ương và gây ách tắc, cản trở việc đi lại của người dân và doanh nghiệp.
“Các địa phương cần tuân thủ chấp hành và nghiên cứu, xem xét kỹ Nghị quyết 128. Vấn đề gì còn vướng mắc, khó khăn thì báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng để có phương án xử lý kịp thời. Không nên tạo ra cát cứ riêng của từng địa phương, dẫn đến sự ách tắc. Ví dụ, người dân đi từ Nam ra Bắc, nhưng đi đến tỉnh A thì bị ách tắc thì làm sao đến được tỉnh khác”.
Ông Bùi Sỹ Lợi nói như vậy và nhấn mạnh, độ bao phủ vaccine trên cả nước ngày một tăng nhưng một số địa phương vẫn “ngăn sông cấm chợ” là đi ngược với quy định, không đúng với tinh thần chung về chống dịch của Chính phủ.
Không phải có quyền lực thì muốn quy định thế nào cũng được
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn ĐBQH TPHCM) cũng cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 chuyển hướng chiến lược từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh.
Chủ trương, chính sách, quy định chung của quốc gia áp dụng trên lĩnh vực phòng chống Covid-19 phải có sự thống nhất trên toàn quốc, phải có những nguyên tắc chung, những điểm phải tuân thủ, không ai được làm trái. Từ quy định chung ấy, các bộ ngành có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương dựa vào đó xây dựng chiến lược, phương án thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH. Có như vậy thì việc thực hiện mục tiêu kép mới hiệu quả.
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, các địa phương tùy thuộc vào tình hình và năng lực kiểm soát, khống chế, khắc phục dịch bệnh của địa phương, cần quy định những biện pháp cụ thể, miễn không trái với những quy định bắt buộc của Trung ương.
Tuy nhiên, nếu địa phương thấy cần có những quy định khác hơn quy định của Trung ương thì phải báo cáo, xin ý kiến Trung ương, Chính phủ. Chính phủ sẽ tham vấn các bộ ngành để quyết định cho địa phương áp dụng những điểm khác đó hay không.
Khi xây dựng phương án cụ thể cho từng địa phương, có thể tỉnh này không giống với tỉnh kia, miễn là hợp lý và không trái với những quy định bắt buộc của Trung ương thì chúng ta nên chấp nhận điều đó chứ không nên buộc tất cả đều phải giống nhau, cào bằng. Tất nhiên, sự khác biệt đó là cần thiết để phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế có hiệu quả.
“Nhưng thế nào là “cần thiết”? “Cần thiết” là để địa phương đó phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế có hiệu quả, chứ không phải có quyền lực hành chính trong tay muốn quy định thế nào cũng được. Cát cứ, chia cắt, ngăn sông cấm chợ tùy tiện, không hợp lý thì ngay người dân của địa phương anh cũng phản đối, chưa nói ảnh hưởng tới người dân địa phương khác và nền kinh tế của cả nước” – ông Nghĩa nhấn mạnh./.