Thích ứng để hướng đến Đại học Quốc gia

Thừa Thiên Huế đang tiến gần với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và mục tiêu trở thành Đại học Quốc gia của Đại học Huế cũng đang rất gần.

 Đại học Huế hướng đến trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu

Đại học Huế hướng đến trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu

Tiếp tục hoàn thiện pháp lý

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế thông tin, trong hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa nhấn mạnh định hướng phát triển Đại học Huế sẽ trở thành Đại học Quốc gia; trở thành trung tâm giáo dục chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

Đại học Huế đang tiếp tục hoàn thiện đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế và đề xuất đưa nhiệm vụ xây dựng Đại học Quốc gia Huế vào nội dung Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, triển khai thực hiện các đề án quan trọng, như đề án phát triển Trường đại học Y Dược theo mô hình Trường - Viện cấp Quốc gia, hướng đến đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045; đề án phát triển Trường đại học Sư phạm thành trường đào tạo sư phạm trọng điểm Quốc gia; đề án thành lập Viện Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung; đề án tái cấu trúc Đại học Huế xứng tầm Đại học Quốc gia; thành lập Trường đại học thành viên của Đại học Huế tại Quảng Trị trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị; cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao công tác tại Đại học Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế…

 Đại học Huế hướng đến mục tiêu phát triển Trường đại học Y – Dược theo mô hình Trường - Viện cấp Quốc gia, hướng đến đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045

Đại học Huế hướng đến mục tiêu phát triển Trường đại học Y – Dược theo mô hình Trường - Viện cấp Quốc gia, hướng đến đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045

Đại học Huế cũng đã chủ động sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, thành lập các đơn vị mới trực thuộc, như Viện Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Viện Chuyển đổi số và Học liệu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội. Việc thành lập các đơn vị mới, cùng với các kết quả trong công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, mô hình quản trị Đại học Huế đang dần hoàn chỉnh với mục tiêu phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.

PGS.TS. Lê Anh Phương cho rằng, Đại học Huế kiên định mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia trên cơ sở pháp lý vững chắc và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đại học Huế sẽ tiếp tục đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác phát triển với các đối tác trong và ngoài nước; kết nối các thế hệ người học; đồng thời, tạo nên những tác động tích cực đến sự phát triển chung của xã hội.

Thích ứng để hướng tới tương lai

Theo lãnh đạo Đại học Huế, với vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng vươn tầm Quốc gia, đòi hỏi Đại học Huế phải chủ động hơn nữa, thích ứng hơn nữa trong mọi khía cạnh phát triển, nhất là trong bối cảnh tự chủ là tất yếu, tính cạnh tranh ngày càng cao. Người đứng đầu Đại học Huế cho rằng, sự phát triển luôn đan xen thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức, thay đổi, nên việc thích ứng là điều đặc biệt quan trọng. Thích ứng để nhận diện sớm, phản ứng với sự thay đổi, linh hoạt ứng phó. Ở mức độ cao hơn, đó còn là dự đoán, nắm bắt những cơ hội mới, vượt qua những trở ngại. Đại học Huế luôn dựa trên sự năng động, thay đổi của xã hội, đảm bảo sản phẩm đào tạo và nghiên cứu ra đời phù hợp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nhận định đúng tình hình, Đại học Huế sẽ có giải pháp tập trung các nguồn lực và đội ngũ các nhà khoa học để thực hiện các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học quy mô lớn, giải quyết các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong khu vực và cả nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế; tạo môi trường làm việc tốt để thu hút các chuyên gia quốc tế đến công tác. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong các hoạt động đào tạo, mở mã ngành, tăng quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội; tổ chức tuyển sinh chung, đảm bảo đúng quy chế, thống nhất, tiết kiệm; phân bổ và sử dụng chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý, tạo điều kiện liên thông giữa các trường đại học thành viên.

Đại học Huế đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tái cấu trúc ngành nghề đào tạo; đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn vị cũng tiếp tục mở các mã ngành đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai; các ngành có tính liên thông ngang và dọc, tạo điều kiện cho người học học liên thông hay học cùng lúc 2 văn bằng; các ngành thuộc khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ mới, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, dịch vụ, du lịch và chăm sóc sức khỏe, khoa học về biển đảo, công nghiệp chíp bán dẫn...

PGS.TS. Lê Anh Phương nhấn mạnh, Đại học Huế sẽ thúc đẩy hơn nữa văn hóa thích ứng trong môi trường học thuật. Trao quyền và cung cấp nguồn lực, công cụ và điều kiện cần để các trường, đơn vị trực thuộc, giảng viên, sinh viên thích ứng và học hỏi. Đồng thời phải ghi nhận, khen thưởng những nỗ lực và thành tích vượt bậc. Bên cạnh đó, Đại học Huế sẽ tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện - nơi có thể bày tỏ ý tưởng, quan điểm và sự quan tâm của mình, tôn vinh sự sáng tạo, đổi mới và tính đa dạng, khuyến khích tìm kiếm những cơ hội mới..., xứng tầm là Đại học Quốc gia.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/thich-ung-de-huong-den-dai-hoc-quoc-gia-145070.html