Thích ứng và phát triển 'thuận thiên'
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước khi đóng góp 31,3%GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
Từ thực tế phát triển ngành nông nghiệp và định hướng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho các địa phương.
Thách thức lớn từ biến đổi khí hậu
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian và phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng. Một trong những đột phá mang tính chiến lược được xác định tại quy hoạch là “biến thách thức thành cơ hội, chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và “thay đổi tư duy về an ninh lương thực, từ phát triển nông nghiệp dựa chủ yếu vào cây lúa sang thủy sản-trái cây-lúa gạo trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng”. Như vậy, quan điểm xuyên suốt tại quy hoạch vùng ĐBSCL là phát triển “thuận thiên” và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, nông nghiệp được xem là ngành đóng vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh này.
Tốc độ BĐKH và tác động tiêu cực từ BĐKH đối với vùng ĐBSCL thời gian qua đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong vùng. Theo kịch bản đến năm 2050 của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL sẽ bị ngập ít nhất 50% diện tích. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của BĐKH đến mực nước lưu vực và nước biển dâng. Các chuyên gia dự báo, với tốc độ sụt lún cao gấp nhiều lần tốc độ nước biển dâng thì khả năng ngập ở khu vực đồng bằng sẽ còn nhanh hơn.
Từ tốc độ ngập ở khu vực đồng bằng, nước biển dâng, kéo theo là diện tích bị mặn xâm nhập ngày càng lớn. Theo kịch bản phát thải trung bình RCP 4.5 (năm 2016) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dựa vào mực nước biển dâng và sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Công, trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰. Phân tích diễn biến mặn trong nhiều năm cho thấy, nước biển dâng và giảm lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu đổ về có ảnh hưởng quyết định đến độ lớn và chiều dài mặn xâm nhập trên diện rộng ở ĐBSCL.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với hệ thống hạ tầng kiểm soát lũ, mặn và thâm canh lúa hiện nay tại ĐBSCL, một số vùng đang gặp nhiều khó khăn về úng ngập cục bộ do không tiêu thoát được nước khi cùng lúc triều cường dâng cao và lũ lên nhanh, nhất là ở khu vực TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, một số khu vực thuộc bán đảo Cà Mau, nguy cơ thiếu nước ngọt trong mùa khô ngày càng nghiêm trọng. Nguyên do là khu vực này xa các nhánh sông lớn, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản chưa bảo đảm cho nhu cầu. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ BĐKH đến nhiệt độ, lượng mưa đã và đang làm mùa mưa đến chậm hơn, thời gian có nắng tăng lên, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ và thay đổi năng suất cây trồng...
Chủ động thích ứng là mệnh lệnh cấp thiết
Từ những thách thức trên buộc các địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động thích ứng với BĐKH dựa trên sự biến động của nguồn nước. Nhiều địa phương đã coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển. Một số nơi, người dân và doanh nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường... Tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng của các địa phương vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục mở ra dư địa, không gian phát triển mới. Đây cũng là những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thời gian qua, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng; mô hình tôm-lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. Để chủ động thích ứng, các nhà khoa học tại nhiều trung tâm nghiên cứu trong vùng đã kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn. Nhiều địa phương hợp tác với các nhà khoa học tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn đa dạng về quy mô, dựa vào đặc điểm tự nhiên, tập quán sản xuất. Nhưng nhìn chung, những mô hình, cách làm như trên ở các địa phương vẫn chủ yếu là tự phát, manh mún, chưa có sự liên kết và thiếu tính linh hoạt...
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược chứ không chỉ là phép cộng công thức đơn thuần. Quy hoạch có tính mở, tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, đồng thời giải quyết tròn khâu bài toán: Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào? Sự điều phối thị trường nông sản theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương phải được chú trọng ngay từ đầu mùa vụ chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là mệnh lệnh cấp thiết đối với sự phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái: Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; vùng sinh thái mặn-lợ ở vùng ven biển và vùng sinh thái chuyển tiếp ngọt-lợ ở giữa đồng bằng. Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo các vùng sinh thái như trên, bước đầu, ĐBSCL sẽ xác định các phân vùng sản xuất nông nghiệp, gồm vùng an toàn, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt.
Trong đó, vùng an toàn được xác định là vùng sản xuất có độ an toàn đạt trên 70% trở lên trước tác động của lũ, ngập, mặn và nhu cầu thị trường. Từ đó tập trung nguồn lực để phát triển vùng chuyên canh, chuỗi giá trị, cụm ngành và đẩy mạnh thương mại hóa. Tuy nhiên, việc phân định này cũng mang tính tương đối, sau mỗi chu kỳ 5-10 năm sẽ tiến hành đánh giá lại biến động của nguồn nước, đất đai và thị trường để có điều chỉnh phù hợp. Song song với đó, các sản phẩm chiến lược được phát triển theo 3 trọng tâm với thứ tự ưu tiên là thủy sản, trái cây và lúa gạo, dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên của các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và theo nhu cầu thị trường.
Từ kinh nghiệm của Hà Lan trong thích ứng với BĐKH, ứng phó với nước biển dâng, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam khuyến nghị, chuyển đổi nông nghiệp ở vùng ĐBSCL nên được tiến hành theo nguyên tắc, một mặt là “thuận thiên” và phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, mặt khác, lấy nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường làm nguyên tắc hàng đầu. Bên cạnh đó, vành đai rừng ngập mặn và vùng ven biển ĐBSCL đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. ĐBSCL không thể chỉ dựa vào các công trình cứng (đê biển), bởi bờ biển, đê biển vẫn có thể bị xói lở. Do đó, cần áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua tái trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi cua, ngao, tôm... phù hợp với việc bảo tồn đa dạng sinh học, lưu trữ carbon và bảo vệ bờ biển.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thich-ung-va-phat-trien-thuan-thien-699719