Thích ứng với hạn mặn
Dự báo từ ngày mai (8/3), Đồng bằng sông Cửu Long bước vào một đợt xâm nhập mặn cao khi vào mùa triều cường. Đây được cho là đợt hạn mặn gay gắt nhất của mùa khô năm nay. Tuy nhiên, nhờ rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước, nông dân các vùng chịu tác động của hạn mặn đã chủ động các giải pháp để thích nghi, tránh tối đa thiệt hại.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có các giải pháp để sống chung, “sống khỏe” trong hạn mặn.
Ghi nhận thực tế của PV Đại Đoàn Kết, các địa phương đã có nhiều kịch bản ứng phó ngay từ sớm nên đến nay, dù hạn mặn đang gay gắt nhưng đã hạn chế tối đa thiệt hại.
“Sống khỏe” trong hạn mặn
Tại tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, rút kinh nghiệm từ những đợt mặn xâm nhập trước đây, việc cung cấp thông tin dự báo về tình hình xâm nhập mặn đến người dân rất được chú trọng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp địa phương cũng khuyến cáo nông dân trồng lúa ở các vùng dễ chịu tác động của hạn mặn chủ động xuống giống sớm.
“Người dân vùng hạn mặn chủ động tránh mặn bằng nhiều giải pháp như gieo sạ sớm để tránh thiếu nước cuối vụ, sử dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, chủ động tích trữ nước ngọt, tự gia cố bờ bao. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp công trình phòng, chống hạn, mặn, Bạc Liêu cơ bản kiểm soát hiệu quả tình hình hạn, mặn, ổn định sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân” - ông Mười cho biết thêm.
Ngay sau khi thu hoạch xong vụ Thu Đông, ông Nguyễn Công Dân (ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) đã khẩn trương gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm hơn cùng kỳ khoảng 30 ngày. “Nhờ xuống giống sớm né mặn nên ruộng lúa không thiếu nước ngọt, lúa đảm bảo chất lượng tới ngày thu hoạch. Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm nay trong điều kiện hạn mặn tôi thấy vụ này trúng mùa là cái chắc. Giờ bà con cũng phải “thuận thiên”, sống chung và sống khỏe trong hạn mặn” - ông Dân phấn khởi nói.
Những ngày đầu tháng 3/2024, ngay giữa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập thuộc huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), 10 công đất trồng dưa leo của ông Nguyễn Tiền Khanh (ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh) vẫn xanh tươi, thu hoạch nhiều trái mỗi ngày.
“Vùng này chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa, mùa khô, mặn xâm nhập, thường xuyên thiếu nước ngọt nên bà con hạn chế sản xuất lúa vụ 3. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, gia đình tôi quyết định chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng màu. Tôi dành gần 3.000m2 đất để đào ao, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu, đồng thời đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tiết kiệm. Như các anh thấy đấy, trong hạn mặn, dưa vẫn xanh tốt và cho trái” - ông Khanh phấn khởi.
Sau nhiều năm chuyển đổi từ cây lúa sang bắp, ông Lâm Chí Đạt (ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) có thu nhập ổn định hơn.
“Tôi có 4.000m2 đất. Trước đây trồng lúa nhưng khu vực này chỉ sản xuất được 2 vụ, nhất là vụ lúa Đông Xuân thường bị xâm nhập mặn gây thiệt lớn. Gần đây tôi chuyển sang trồng bắp thu nhập cao hơn, lại ít tốn công chăm sóc. Bắp cho hạt to, đều tăm tắp. Đây là vụ thu hoạch thứ 4 trong năm, thu nhập tổng cộng cũng gần 100 triệu đồng” - ông Đạt chia sẻ.
Theo ông Trương Phước Hiền - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long, thời tiết biến đổi, nắng nóng gay gắt khả năng xâm nhập mặn ở những nơi cuối nguồn nước ngọt rất cao. “Do đó, ở những nơi không đủ điều kiện canh tác lúa, ngành nông nghiệp, chúng tôi vận động bà con nông dân chuyển đổi sang cây trồng, đưa màu xuống ruộng. Các khu vực trong huyện đang thực hiện mô hình chuyển đổi như ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông), các ấp Bình Bảo, ấp Bình Lễ (xã Vĩnh Phú Tây)” – ông Hiền thông tin.
Cảnh báo độ rủi ro
Dự báo từ ngày 8/3, ĐBSCL bước vào một đợt xâm nhập mặn cao khi vào mùa triều cường. Đây được cho là đợt hạn mặn gay gắt nhất của mùa khô năm nay.
Tại Hậu Giang, nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển Tây vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang tăng cao, có nơi nồng độ mặn đã tăng lên ở mức 9,5‰. Dự báo nồng độ mặn tại Hậu Giang còn tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng triều cường và gió Đông Bắc từ phía biển Đông. Các địa phương có mặn xâm nhập khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng, đối với trà lúa đang ngậm sữa, trổ, chín.
Đặc biệt, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Tại Bến Tre - một trong những địa phương dễ chịu tác động của hạn mặn, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh này dự báo, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tăng nhanh từ ngày 7/3 và đạt mức sâu nhất trong các ngày 10-13/3, sau đó giảm chậm từ ngày 14 đến các ngày 20-22/3, tăng trở lại từ ngày 23/3 (riêng trên sông Cổ Chiên giảm dần từ ngày 13 đến ngày 19/3, tăng trở lại từ ngày 20/3).
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn kêu gọi các hội viên, nông dân chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất trong mùa hạn mặn; khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; thay đổi lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt…
“
Tại Tiền Giang, gần 20.000ha cây ăn trái nằm dọc sông Tiền hiện đã được tỉnh hoàn thành việc nâng cấp 6 cống trên tỉnh lộ 864, sẽ đóng cống để bảo vệ khi mặn xâm nhập. Ngoài ra, ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong (Tiền Giang), ngành nông nghiệp tỉnh cũng trang bị gần 20 giếng khoan tầng sâu để lấy nước tưới cho cây ăn trái. Rau màu cũng rất “sợ” hạn mặn, vì vậy huyện Châu Thành – nơi có vùng trồng rau màu lớn ở khu vực phía Tây của tỉnh đã chủ động ngăn hạn mặn từ sớm, từ xa nên hiện địa phương vẫn đảm bảo nguồn nước tưới, rau trên ruộng vẫn xanh tốt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thich-ung-voi-han-man-10274702.html