Thích ứng với một thế giới thay đổi

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng; ngay cả những lý thuyết kinh tế trước đây được xem là hiển nhiên như lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo - các nước chỉ nên sản xuất những mặt hàng họ có lợi thế nhất, cũng bị lật lại, đặt vấn đề đúng sai trong hoàn cảnh nào, có lợi cho ai.

Chính vì thế báo chí phương Tây lại có những bài phóng sự về các doanh nghiệp tìm cách sản xuất chiếc áo phông bằng nguyên liệu trong nước, nhân công trong nước để bán với giá cao hơn hàng nhập khẩu, nhưng đổi lại đã tạo công ăn việc làm cho các cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động.

Cũng chính vì thế, nhiều nước tìm cách đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu với nhiều lý do khác nhau nhưng thực chất là để bảo hộ sản xuất trong nước. Không có thuế bảo hộ, doanh nghiệp sản xuất áo phông không thể nào cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, quay về chính sách bảo hộ mậu dịch, chúng ta cũng cần có những bước chuẩn bị để ứng phó. Trong ảnh là công nhân của một doanh nghiệp đang nỗ lực xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, quay về chính sách bảo hộ mậu dịch, chúng ta cũng cần có những bước chuẩn bị để ứng phó. Trong ảnh là công nhân của một doanh nghiệp đang nỗ lực xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Một yếu tố khác tác động mạnh lên nền sản xuất của thế giới là quá trình tự động hóa khi các nước ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên các lợi thế so sánh cũng đang thay đổi. Nhân công tay nghề trung bình và thấp, giá rẻ không còn là yếu tố cạnh tranh nữa khi robot thay thế công nhân không chỉ trong nhà máy mà cả ngoài ruộng đồng. Thuế bảo hộ mang tính tình thế để giúp các nước có thời gian đầu tư mạnh vào các dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, quay về chính sách bảo hộ mậu dịch, chúng ta cũng cần có những bước chuẩn bị để ứng phó. Trước tiên cần xác định mô hình tăng trưởng mới thay cho mô hình dựa vào làm hàng xuất khẩu, như chú trọng sản xuất cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính.

Hiện nay, chúng ta đã áp dụng các chính sách mang tính ứng phó với sự thay đổi như đánh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trước đó, việc miễn thuế với loại hàng hóa này nhằm làm theo thông lệ quốc tế nhưng gần đây nhiều nước đã bãi bỏ quy định miễn thuế như vậy. Chính sách mới vừa theo thông lệ mới, vừa đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước.

Hay chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng cũng là cách tìm mô hình phát triển mới. Để thích ứng với sự thay đổi, có thể không dựa nhiều vào các yếu tố truyền thống như mở cửa thị trường vốn, tìm hàng hóa cho thị trường chứng khoán, phát triển các công cụ tài chính truyền thống... Hoàn toàn có thể xây dựng một trung tâm tài chính dựa vào xuất khẩu dịch vụ tài chính tay nghề cao như nhiều nước xây dựng trung tâm hỗ trợ khách hàng từ xa. Nếu chúng ta tập trung vào khâu đào tạo nhân lực, tận dụng các công nghệ mới, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ tài chính, từ đơn giản giai đoạn đầu đến ngày càng nâng cao kỹ năng tay nghề, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng từ xa. Phát triển TPHCM thành một trung tâm công nghệ tài chính trong một môi trường áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng là một cách khác.

Điều muốn nhấn mạnh ở đây là với một thế giới đang thay đổi, cách tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội cũng cần thay đổi theo. Thay vì suy nghĩ theo hướng tư duy cũ, chúng ta mạnh dạn nghĩ ra bên ngoài khuôn khổ thông thường, luôn tìm cái mới với nguyên tắc đặt lợi ích của người dân, của đất nước lên trên hết để tạo ra đột phá.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thich-ung-voi-mot-the-gioi-thay-doi/