'Thiên đường dành cho phụ nữ' bị lên án vì phân biệt giới tính

Bất bình với cách hệ thống tư pháp xử lý một số vụ bạo lực cơ sở giới, nhiều phụ nữ đã kiện chính phủ Iceland ra tòa.

"Tôi cứ nghĩ mình sẽ chết", Maria Árnadóttir, một phụ nữ người Iceland, kể CNN về ngày cô bị bạn trai cũ tấn công vào tháng 7/2016.

Những vết bầm tím đủ mức độ trên cơ thể Maria là kết quả từ cuộc giằng co, khi cô cố giật lại chiếc điện thoại từ tay kẻ hành hung để báo cảnh sát.

Trước đó, người này từng nhiều lần đánh đập Maria song sự kiện trên mới chính là "giọt nước tràn ly".

Theo CNN, nạn nhân đã nộp đơn tố cáo cho cảnh sát cùng những bằng chứng cho thấy cô bị tấn công: ảnh chụp vết thương, hồ sơ y tế, danh sách nhân chứng...

Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận việc hành hung Maria, chỉ thừa nhận từng dọa tung ảnh nhạy cảm của cô nếu tố cáo anh ta.

 Maria Árnadóttir cho biết do sự chậm trễ từ phía cảnh sát, vụ kiện bạn trai cũ hành hung của cô đã bị hủy vì quá thời hiệu khởi kiện. Ảnh: CNN.

Maria Árnadóttir cho biết do sự chậm trễ từ phía cảnh sát, vụ kiện bạn trai cũ hành hung của cô đã bị hủy vì quá thời hiệu khởi kiện. Ảnh: CNN.

Một năm rưỡi sau khi cô nộp đơn kiện, cảnh sát nói với Maria vụ án sẽ bị hủy bỏ vì không đủ căn cứ buộc tội. Nạn nhân phát hiện phía cảnh sát đã không thẩm vấn kẻ hành hung, khiến vụ án bị quá thời hiệu khởi kiện.

Giờ, Maria là một trong nhiều phụ nữ đã đệ đơn kiện chính phủ Iceland lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, cho rằng hệ thống tư pháp nước này vi phạm quyền của các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

Đáng nói, họ sống ở Iceland - quốc gia từ lâu được tôn vinh là bình đẳng giới nhất thế giới, đáng sống nhất của phụ nữ.

Không phải "thiên đường"

Iceland có môi trường, điều kiện sống lý tưởng dành cho phái nữ. 12 năm liên tiếp, nước này được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng đầu về bình đẳng giới.

Quốc gia này cũng có luật trả lương bình đẳng, chống phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ chiếm 47% số ghế trong Quốc hội, 46% trong hội đồng quản trị ở các công ty tại Iceland.

Dịch vụ chăm sóc trẻ em được trợ cấp nhiều và dành cho tất cả, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai sản hoàn toàn miễn phí.

Nhưng với Maria và không ít cô gái khác, nước này không phải là "thiên đường nữ quyền" như thế giới nghĩ. Vì thế, họ kiện chính phủ của mình ra tòa.

 Nhiều phụ nữ Iceland không cho rằng quốc gia này là "thiên đường nữ quyền, nơi sống lý tưởng cho phái nữ" như thế giới tưởng. Ảnh: REUTERS/Ints Kalnins.

Nhiều phụ nữ Iceland không cho rằng quốc gia này là "thiên đường nữ quyền, nơi sống lý tưởng cho phái nữ" như thế giới tưởng. Ảnh: REUTERS/Ints Kalnins.

Vụ kiện được khởi động từ tháng 3, dưới sự điều phối từ một số tổ chức phi chính phủ ở Iceland. Trong số đó có Stígamót - tổ chức phi lợi nhuận vận động chống lại bạo lực gia đình và tình dục, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nạn nhân.

Sau khi xem xét vài vụ cáo buộc bạo hành phụ nữ gần đây bị cảnh sát hay công tố viên bác bỏ, Steinunn Guðjónsdóttir, người phát ngôn từ Stígamót, nói với CNN cô nhận thấy quyền của nạn nhân đã bị vi phạm trong một số trường hợp.

Cô chỉ ra nhiều vụ bỏ sót bằng chứng, hết thời hiệu khởi kiện do cảnh sát chậm trễ điều tra, đổ lỗi nạn nhân, thiếu minh bạch.

"Hệ thống tư pháp coi hiếp dâm là tội rất nghiêm trọng, song không được quan tâm và đầu tư về nhân lực. Trong khi đó, nếu có một vụ giết người - điều hiếm xảy ra ở Iceland, cảnh sát sẽ huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc", cô nói.

Guðjónsdóttir cũng cho biết theo luật pháp Iceland, nạn nhân không có quyền xem xét hồ sơ vụ án, không thể theo dõi tiến trình điều tra.

Trong một tuyên bố với CNN, Bộ Tư pháp Iceland kết luận là "lực lượng chức năng đã mắc sai lầm trong quá trình điều tra nhưng mức độ nghiêm trọng tối thiểu không đến mức được xét như vi phạm Công ước châu Âu về Nhân quyền".

Cảnh sát Iceland không bình luận về vụ việc.

Tỷ lệ bạo lực vẫn cao

Theo CNN, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 2018 cho thấy khoảng 40% phụ nữ tham gia trả lời từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu 30% theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Unnur Anna Valdimarsdóttir và Arna Hauksdóttir, 2 chuyên gia sức khỏe cộng đồng và nhà dịch tễ học ĐH Iceland, đã khảo sát hơn 30.000 người cho nghiên cứu trên. Con số này đại diện cho gần 1/3 dân số nữ của đất nước.

"Chúng tôi bàng hoàng với những con số này. Bản thân tôi cũng không muốn tin là tỷ lệ phụ nữ từng bị bạo lực thể xác, tình dục trong cuộc đời họ lại cao như thế", cô Valdimarsdóttir nói.

 Theo nghiên cứu của Unnur Anna Valdimarsdóttir và Arna Hauksdóttir về chấn thương vào năm 2018, 40% phụ nữ Iceland tham gia trả lời từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục. Ảnh: Sig Holm/Flickr.

Theo nghiên cứu của Unnur Anna Valdimarsdóttir và Arna Hauksdóttir về chấn thương vào năm 2018, 40% phụ nữ Iceland tham gia trả lời từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục. Ảnh: Sig Holm/Flickr.

2 nhà nghiên cứu cho biết kết quả này "không phù hợp" với văn hóa bình đẳng giới mạnh mẽ ở nước này.

"Ở những xã hội đề cao bình đẳng giới, con số về bạo lực vẫn rất cao. Nghe có vẻ như một nghịch lý, nhưng điều đó có thể liên quan tới việc phụ nữ nhận thức rõ khi nào thì họ bị xâm phạm, dưới bất cứ hình thức nào", Valdimarsdóttir lý giải.

Öfgar, một nhóm ủng hộ nữ quyền hướng tới giáo dục công chúng về vấn nạn bạo lực và cưỡng hiếp, không ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này. Họ thậm chí còn cho rằng con số thực có thể còn cao hơn.

"Tôi chưa gặp người bạn là nữ nào chưa từng bị quấy rối, vướng vào mối quan hệ độc hại, lạm dụng tình dục", Helga Ben, một thành viên, nói.

Ólöf Tara, một thành viên khác, khẳng định ý tưởng "Iceland là thiên đường của nữ giới" không hoàn toàn đúng với cô.

"Nhiều phụ nữ giữ im lặng về tổn thương mình gặp phải. Nếu có ai đó lên tiếng, họ sẽ thấy không ít người cũng có trải nghiệm tương tự và cùng tìm sự giúp đỡ", Tara chia sẻ.

Nỗ lực thay đổi

CNN đưa tin vụ kiện chính phủ Iceland lên Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ mất vài năm. Trong lúc đó, cuộc đấu tranh của Maria vẫn tiếp diễn.

Cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, phải nghỉ việc và đôi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Maria cho rằng sai lầm từ hệ thống tư pháp đẩy cô vào tình cảnh này.

"Chính phủ Iceland thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra dẫn tới vụ án bị hủy do quá thời hiệu khởi kiện", Fjalar Sigurðarson, viên chức thông tin của Bộ Tư pháp Iceland, trả lời CNN.

Ông cho biết lý do chậm trễ điều tra là cảnh sát "không chắc chắn" về tội danh tố cáo, thêm rằng các sự vụ tương tự "rất hiếm xảy ra trong thủ tục hình sự ở nước này".

Sau khi vụ kiện bạn trai cũ hành hung bị hủy, Maria tiếp tục kiện anh ta vì hành vi đe dọa.

Năm 2020, người đàn ông này bị tòa kết án 45 ngày tù treo, phải bồi thường thiệt hại cho cô vì tội danh trên.

Từ đó, Maria trở thành một nhà hoạt động xã hội, tích cực thúc đẩy cải cách dưới tư cách một chuyên gia luật.

Ủy viên Quốc gia của Cảnh sát Iceland, Sigríður Björk Guðjónsdóttir đã công khai xin lỗi Maria "về những tổn hại mà cô ấy nhận được từ hệ thống".

Ông nhấn mạnh lực lượng cảnh sát đang nỗ lực cải cách, "áp dụng cách tiếp cận hướng vào nạn nhân" trong các vụ bạo lực trên cơ sở giới.

"Tôi có một cô con gái, có bạn bè, và không muốn ai phải trải qua điều đó. Chúng tôi cần thay đổi từ hệ thống", Maria chia sẻ về mục tiêu hoạt động của mình.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-duong-danh-cho-phu-nu-bi-len-an-vi-phan-biet-gioi-tinh-post1284613.html