Thiên Long (TLG) đưa người vào HĐQT Phương Nam (PNC) sau khi thâu tóm 49,5% vốn

Sau khi công ty con hoàn tất nâng sở hữu lên gần 50% vốn tại Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC), Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) đang đề cử hàng loạt nhân sự cấp cao vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của chuỗi nhà sách này.

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 2/8 tại TP.HCM.

Nội dung chính của đại hội là việc thay đổi một loạt nhân sự cấp cao. Cụ thể, Phương Nam sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ba thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) là bà Nguyễn Như Quỳnh, ông Võ Thành Đông Phương, ông Nguyễn Đức Long và hai thành viên Ban kiểm soát (BKS) là bà Hà Thị Mai Phương, bà Huỳnh Thị Thanh Trúc.

Ở chiều ngược lại, danh sách ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022 – 2026 cho thấy rõ sự hiện diện của Tập đoàn Thiên Long.

Trong bốn ứng viên được đề cử vào HĐQT, có tới hai người đang là lãnh đạo cấp cao tại Thiên Long. Đó là bà Võ Thị Hoàng Quân, Giám đốc Chiến lược của Thiên Long (đồng thời là Tổng Giám đốc của Phương Nam từ tháng 6/2025) và ông Nguyễn Ngọc Trung Chánh, Trưởng phòng Pháp chế của Thiên Long.

Tương tự, cả hai ứng viên cho Ban kiểm soát đều là nhân sự của Thiên Long, bao gồm bà Đặng Thị Như Liễu (Kiểm toán nội bộ) và bà Nguyễn Thị Hương Lan (Quản trị rủi ro).

Việc thay đổi nhân sự này diễn ra ngay sau khi Thiên Long củng cố vị thế cổ đông chi phối tại Phương Nam. Vào ngày 3/6, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Nam, một công ty con của Thiên Long, đã mua vào gần 5,2 triệu cổ phiếu PNC, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 1,65% lên 49,49% vốn điều lệ.

Xét về tình hình kinh doanh, cả hai doanh nghiệp đều cho thấy những bức tranh riêng. Kết thúc quý I/2025, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần 794,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo Thiên Long kỳ vọng kết quả sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong quý II, vốn là mùa kinh doanh cao điểm.

Trong khi đó, Phương Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Quý I/2025, công ty ghi nhận doanh thu 146,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ bù đắp chi phí vận hành, công ty chỉ thoát lỗ nhờ các khoản thu nhập tài chính.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Thiên Long, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc, từng cho biết công ty đang tiến rất gần đến việc hoàn tất một thương vụ M&A, nhưng sẽ xem xét kỹ lưỡng tính phù hợp trước khi quyết định. Việc thâu tóm và đưa người vào quản lý Phương Nam được xem là bước đi cụ thể hóa cho chiến lược này, kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà sách lâu đời này.

Khánh Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thien-long-tlg-dua-nguoi-vao-hdqt-phuong-nam-pnc-sau-khi-thau-tom-495-von-84673.html