Ngựa Mông Cổ hầu như không hề thay đổi từ thời Thành Cát Tư Hãn. Người dân du mục ở Mông Cổ hiện còn nuôi hơn 3 triệu con, đông hơn số người sống trong khu vực.
Lịch sử của ngựa Mông Cổ, cũng giống như người Mông Cổ cổ đại, mang đầy màu sắc bí ẩn. Chúng là một trong những giống ngựa lâu đời nhất trên thế giới.
Ngay từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người Hung Nô du mục trên đồng cỏ đã bắt đầu huấn luyện loài ngựa Mông Cổ làm ngựa chiến.
Ngựa Mông Cổ không lớn lắm, cao trung bình 120-135 cm và nặng 267-370 kg, được coi là loài ngựa nhỏ. Tuy kích thước không thể sánh với ngựa châu Âu nhưng ngựa Mông Cổ lại có thân hình cường tráng, tứ chi lực lưỡng, gân cốt phát triển, linh hoạt và nhanh nhẹn.
Trong sử thi anh hùng nổi tiếng của người Mông Cổ, “Jangar”, ngựa chiến của người Mông Cổ được miêu tả như sau: “Nhanh như một mũi tên rời khỏi sợi dây, tỏa sáng như một tia lửa, khí thế oai hùng”. Được mệnh danh với cái tên mỹ miều “thiên lý mã”
Ngựa Mông Cổ có sức bền dẻo dai, thích hợp cho các cuộc viễn chinh và không cần ăn uống trên đường đi. Một con ngựa trưởng thành di chuyển khoảng 50 đến 100 km mỗi ngày và có thể kéo 500 kg vật nặng.
Ngựa chiến Mông Cổ có thể tồn tại ở khắp mọi nơi. Chúng có thể chịu được nhiệt độ cao 40 độ C và cái lạnh khắc nghiệt âm 40 độ C. Chúng còn có thể thích nghi với bão tuyết và nắng nóng như thiêu đốt.
Ngựa Mông Cổ dũng mãnh, linh hoạt, bền bỉ và dẻo dai, dễ nuôi, chỉ ăn cỏ cũng sống được.
Theo quan niệm Á Đông, con ngựa là loài vật tượng trưng cho sức mạnh, sự trung thành, táo bạo và sức sống mãnh liệt.