'Thiên nga' Nguyễn Thu Huệ và giấc mơ nâng tầm ballet Việt
Việc 'cháy' hết mình của Thu Huệ đã góp phần làm nên thành công của 'Hồ thiên nga' phiên bản Việt, truyền cảm hứng cho các vũ công đam mê nghệ thuật cổ điển và kéo khán giả đến với sàn diễn ballet.
Nữ nghệ sỹ Nguyễn Thu Huệ là vũ công Việt Nam đầu tiên đảm nhận cả hai vai (thiên nga trắng và thiên nga đen) ở vở ballet huyền thoại “Hồ thiên nga” trong một đêm diễn.
Việc “cháy” hết mình của những nghệ sỹ trẻ như cô đã góp phần quan trọng làm nên thành công của “Hồ thiên nga” phiên bản Việt, truyền cảm hứng cho các vũ công đam mê nghệ thuật cổ điển và kéo khán giả đến với sàn diễn ballet.
Vượt qua giới hạn
Lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ vắng bóng, tác phẩm kinh điển của Pyotr Ilyich Tchaikovsky được các nghệ sỹ Việt Nam dàn dựng và biểu diễn hoàn chỉnh. Điều đó đã tạo nên một cơn “địa chấn” về nghệ thuật hàn lâm khi bảy đêm diễn đều “cháy vé” từ trước thời điểm công diễn chính thức (cuối năm 2019).
Thu Huệ được giới chuyên môn đánh giá cao. Biên đạo Lê Ngọc Văn, một nghệ sỹ tài năng nổi tiếng kiệm lời, “khó tính” trong nghề đã coi Thu Huệ là “ngôi sao” ballet hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Có cùng quan điểm trên, biên đạo-nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly cho rằng đến thời điểm này, Thu Huệ là “linh hồn,” chưa ai thay thế được của “Hồ thiên nga” phiên bản Việt. Thiên nga trắng và thiên nga đen là hai vai mang màu sắc hoàn toàn trái ngược trong một vở diễn, thể hiện sự xung đột giữa cái thiện-cái ác. Hơn nữa, ở mỗi nhân vật, cảm xúc đều được đẩy lên cao trào với xung đột nội tâm dữ dội.
Biên đạo Trần Ly Ly chia sẻ để đảm nhận được hai vai “nặng ký” này, yêu cầu đặt ra với vũ công không chỉ là thể lực, sức bền tốt, kỹ thuật múa điêu luyện mà còn là khả năng biến hóa linh hoạt để nhập vai. Đây là một thử thách lớn với nghệ sỹ khi điều kiện đào tạo, trình diễn ballet ở Việt Nam hiện nay còn nhiền hạn chế.
Phía sau những bộ váy áo lộng lẫy, những phút thăng hoa trên sân khấu với những bước nhảy mềm mại, cú xoay người lôi cuốn... là những tháng ngày tập luyện miệt mài, đổ cả mồ hôi và nước mắt của nghệ sỹ. Trước khi “Hồ thiên nga” chính thức công diễn, Thu Huệ cùng êkíp thực hiện đã tập luyện khoảng 10 tiếng mỗi ngày, kéo dài trong sáu tháng.
“Việc chân tay trầy xước, bầm dập hay bật móng đã trở thành chuyện rất đỗi bình thường,” nói rồi, cô gái trẻ khẽ cười, hướng ánh nhìn về phía đôi bàn chân đầy những vết chai sần.
Thu Huệ kể, có những ngày, bước chân về tới nhà, cơ thể đau nhức, cô gái trẻ chỉ muốn chìm luôn vào giấc ngủ. Thế nhưng, khi nhận vai trong một vở kinh điển, Huệ luôn cố gắng tranh thủ thời gian buổi tối để xem những video clip ghi hình các nghệ sỹ ballet trên thế giới biểu diễn để học hỏi. “Một ngày mệt nhoài, căng mình trên sàn tập là vậy nhưng hễ nhìn vào clip, cơ thể lại chuyển động theo như một phản xạ tự nhiên. Cứ như vậy, những vũ điệu ballet hiện hữu trong mọi khoảnh khắc đời thường,” vũ công bày tỏ.
Trước khi hóa thân thành công chúa Odette, Thu Huệ từng đảm nhận vai trò solist (nghệ sỹ múa đơn) trong nhiều vở ballet nức tiếng: “Kẹp hạt dẻ,” “Chopiana,” “Giselle”… Dẫu vậy, khi được giao vai chính trong “Hồ thiên nga,” Thu Huệ vẫn không khỏi lo lắng.
“Ban đầu, tôi khá do dự vì chưa có kinh nghiệm diễn nhiều vở lớn. Hơn nữa, tôi tự cảm thấy vốn sống, sự trải nghiệm thực tế chưa đủ để có thể nhập sâu vào tâm lý nhân vật. Bởi tôi quan niệm trên sân khấu, trạng thái tâm lý của diễn viên và của nhân vật phải nhập làm một. Nếu tôi xuất hiện trên sàn diễn không phải bằng cảm xúc thật, mà bằng tâm thế ‘đang diễn cho người khác xem’ thì vai ấy coi như thất bại,” Thu Huệ nhớ lại.
Lặng đi chừng vài phút, cô “thiên nga” tài năng ấy kể, sau khoảng 10 tiếng tập cùng êkíp mỗi ngày, cô lại tự “giam mình” trong sự tĩnh lặng để tưởng tượng, cảm nhận niềm hy vọng, nỗi cô đơn, cùng cả sự tuyệt vọng, sự dằn vặt, đau đớn… của nhân vật. Những trạng thái đó của nhân vật không chỉ được thể hiện bằng kỹ thuật, động tác hình thể mà còn bằng ánh mắt, biểu cảm gương mặt.
Việc tham gia “Hồ thiên nga” là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp, giúp Thu Huệ khám phá, vượt qua những giới hạn của bản thân. Bởi trước đó, cô vẫn nghĩ mình chỉ hợp với những vai tươi vui, nhí nhảnh, chưa đủ khả năng đảm nhận những vai có sức nặng tâm lý như thiên nga trắng, thiên nga đen.
Viết tiếp giấc mơ
Thành công vang dội của vai diễn trong “Hồ thiên nga” không khiến Thu Huệ mang nỗi lo “không vượt qua được cái bóng của chính mình.” Ngược lại, cô gái trẻ tràn đầy năng lượng ấy bảo, điều đó đã giúp cô và các đồng nghiệp có thêm niềm tin, sự hứng khởi để nuôi dưỡng, theo đuổi giấc mơ nâng tầm balle Việt, đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng.
Ở Việt Nam hiện nay, nghệ thuật cổ điển nói chung và ballet nói riêng vẫn khá xa lạ với khán giả. Thu Huệ cho rằng để những loại hình này đến gần hơn với công chúng, nghệ sỹ nên có những sáng tạo riêng để tạo ra dấu ấn Việt. Đây cũng là điều kiện để các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam bước ra thế giới.
Bản dựng “Hồ thiên nga” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) được coi là một minh chứng cụ thể cho nỗ lực làm mới các tác phẩm quen thuộc và đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.
Vở ballet có sự tham gia của 60 nhạc công (dàn nhạc chơi live dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh) và hơn 60 diễn viên múa. Về cơ bản, phiên bản “Hồ thiên nga” này vẫn được dàn dựng theo phong cách, trường phái ballet Nga. Tuy nhiên, một số chi tiết rườm rà đã được cắt bớt. Biên đạo Lê Ngọc Văn đã phát huy tốt sự uyển chuyển, mềm mại của các nghệ sỹ đã thành danh và sự năng động, hoạt bát của các diễn viên trẻ.
Đặc biệt, phục trang của các nghệ sỹ trình diễn “Hồ thiên nga” mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Đó là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Bên cạnh vẻ lộng lẫy theo phong cách hoàng gia Nga trước đây, những bộ trang phục này cũng mang vẻ bí ẩn, cuốn hút nhờ phần họa tiết trang trí (được lấy cảm hứng từ hình hoa sen Việt, cách tân theo phong cách baroque).
Dưới bàn tay tài hoa của họa sỹ Hà Hoàng Tùng, sân khấu “Hồ thiên nga” vừa có nét quý phái, tráng lệ của phương Tây vừa mang vẻ bí ẩn của phương Đông.
“Những dấu ấn Việt đó đã giúp những vũ công như tôi thêm hứng khởi trên sàn diễn đồng thời mang đến cảm nhận mới lạ nhưng cũng rất gần gũi cho người xem,” nghệ sỹ Thu Huệ chia sẻ.
Những gì Thu Huệ và êkíp sáng tạo “Hồ thiên nga” đã thể hiện là cơ sở để khán giả tự hào và tin tưởng rằng các nghệ sỹ Việt hoàn toàn có thể dàn dựng thành công các vở ballet kinh điển.
Đến nay, Thu Huệ đã có hơn 16 năm gắn bó với sàn tập kể từ khi tạm xa gia đình ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) để đến Hà Nội theo học Cao đẳng Múa Việt Nam từ năm 12 tuổi.
Nhớ lại hành trình đến và theo đuổi loại hình nghệ thuật kén người xem này, Thu Huệ cho hay: “Niềm vui thích mỗi khi thực hiện được kỹ thuật mới, nhập được vào linh hồn đã át đi sự mệt mỏi, thậm chí cả những đau đớn vì chấn thương.” Sự hứng khởi ấy cũng chính là “liều thuốc” giúp cô vượt qua sự buồn tủi, nỗi nhớ nhà nơi “đất khách quê người.”
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Thu Huệ không muốn dừng lại để duy trì ánh hào quang. Thay vào đó, cô hy vọng được thử sức với những vai mới, mang màu sắc khác lạ. “Từ nhỏ, tôi đến với múa bằng niềm yêu thích tự nhiên và tôi sẽ gắn bó với sàn diễn đến khi nào sự mềm dẻo của cơ thể còn cho phép. Về tương lai xa hơn, khi không còn là một vũ công, tôi vẫn muốn gắn bó với sàn tập trong vai trò của một biên đạo hoặc trở thành cô giáo dạy múa,” Thu Huệ chia sẻ./.