Thiện nguyện dịp cuối năm sao cho trúng, đúng và ý nghĩa

Với truyền thống 'tương thân tương ái', 'lá lành đùm lá rách', trong huyết quản mỗi con người Việt Nam luôn ẩn chứa sự thiện lương, chìa tay ra giúp đỡ người khác. Nhất là mỗi độ xuân về, Tết đến, nhiều tổ chức, cá nhân lại lên đường cho những chuyến thiện nguyện ở các khu vực khó khăn của đất nước. Nhưng cho thế nào thật đúng, trúng và ý nghĩa?

“Của cho không bằng cách cho” và cho cái người ta cần, sử dụng được trong thời điểm “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thì mới là trúng. Việc cho và nhận đôi khi chỉ là tương đối khi xuất phát từ thiện tâm. Cho đi vật chất nhưng nhận lại nụ cười, sự thanh bình, an nhiên và hạnh phúc thì đó mới là chuyến đi thiện nguyện thành công.

Thiện nguyện thế nào cho trúng, có ý nghĩa cho cả người cho và người nhận

Thiện nguyện thế nào cho trúng, có ý nghĩa cho cả người cho và người nhận

Anh Huy Hùng (Thành viên câu lạc bộ thiện nguyện Từ Tâm, Thanh Hóa) vừa có chuyến đi thiện nguyện (giữa tháng 1/2024) tại huyện biên giới Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa). Đoàn đã trao 124 suất quà gồm: 60 suất 10 kg gạo , 1 chai dầu ăn, 3 gói bột canh, 1 kg đường, tiền mặt 200 nghìn đồng và 1 chăn bông (Hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). 143 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó gồm vở, bút, 1 chiếc xe đạp và một số đồ dùng học tập để các em theo đuổi giấc mơ tri thức.

Học sinh nghèo vượt khó ở Yên Khương được nhận quà

Học sinh nghèo vượt khó ở Yên Khương được nhận quà

Ngoài ra qua tìm hiểu, việc gắn kết quân- dân, đoàn đã trao tặng Đồn biên phòng 503 (Yên Khương) 2 máy in, 1 chiếc loa di động để thuận tiện cho việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước tới bà con nhân dân. Hoặc sử dụng để tham gia các hoạt động nơi đông người, vui chơi, giải trí.

Chuyến đi thành công, nhận được nhiều tình cảm của các chiến sĩ biên phòng, chính quyền địa phương và bà con người dân. Bởi trước khi đi, đoàn đã tìm hiểu, liên hệ với chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn để nắm rõ tình hình các hộ dân đang gặp khó khăn, người dân thực sự cần gì. Do vậy, đoàn đã tổ chức với hình thức phiên chợ không đồng, ai cần gì thì vào lấy về dùng. Đây là cách làm hay, bởi các hiện vật cho đi được sử dụng đúng đối tượng, thời hạn sử dụng.

Cần tìm hiểu trước, thông qua chính quyền địa phương, các đơn vị đóng trên địa bàn

Cần tìm hiểu trước, thông qua chính quyền địa phương, các đơn vị đóng trên địa bàn

Việc tổ chức trao quà cần tính toán làm sao cho có sự công bằng. Bởi số lượng nhu yếu phẩm, đồ dùng có hạn mà nhiều người có nhu cầu được nhận sẽ không đáp ứng được. Việc hộ có, hộ không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bác Hồ đã từng nói “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.”

Trước khi di chuyển, các thành viên trong đoàn cần trang bị cho mình một số kiến thức để tự ứng cứu, xoay sở trong các trường hợp khẩn cấp. Bởi thông thường các khu vực khó khăn đường sá, giao thông còn chưa được đầu tư đồng bộ. Lại là các khu vực núi cao, quanh co, khó di chuyển. Nắm bắt tình hình thời tiết để có phương án mang theo đồ dùng cá nhân.

Ngoài ra nên mang theo một số loại thuốc kháng sinh như thuốc cảm, thuốc sát thương, bông băng, nước uống…. Luôn sẵn sàng trong mọi tình huống và đặt sự an toàn của các thành viên nhóm thiện nguyện lên hàng đầu.

Của cho không bằng cách cho

Của cho không bằng cách cho

Việc cho đi vật chất, chia sẻ khó khăn với những người yếu thế chỉ là tức thời. Nên dành thời gian để giao lưu, trò truyện với người dân nơi đoàn thiện nguyện đến. Cái người dân vùng khó khăn cần nhất vẫn là tư duy, khát vọng vươn lên hoàn cảnh để làm giàu bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Không ít trường hợp việc được cho, tặng thường xuyên dẫn tới tâm lí trông chờ, ỉ lại thì việc thiện nguyện cho đi lại đang “làm hại” người nhận.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thien-nguyen-dip-cuoi-nam-sao-cho-trung-dung-va-y-nghia-414624.html