Thiên nhiên ưu ái Kon Hà Nừng

Cao nguyên Kon Hà Nừng là một trong hai địa chỉ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là nơi được xếp loại A quốc tế về đa dạng sinh học, có nhiều động - thực vật quý hiếm.

Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 413.500 ha, được chia thành 3 vùng chức năng, gồm: Vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

Trong đó, vùng lõi bao gồm toàn bộ diện tích của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Đây là những nơi có hệ sinh thái thực vật có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên; Phần lớn là kiểu rừng kín, xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, với nhiều loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Vườn Quốc gia hệ sinh thái thực vật có tính đa dạng sinh học cao. (Ảnh minh họa)

Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhiều loài chim quý hiếm có mặt tại đây. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám...

Nhiều loài thực vật quý hiếm. (Ảnh minh họa)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng đã xác định 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới.

Thực vật- động vật trong thiên nhiên hoang sơ. (Ảnh minh họa)

Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; Trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư.

Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.

Nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên. (Ảnh minh họa)

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có đóng góp rất quan trọng trong bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và nguồn gen di truyền của Gia Lai thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học ở hai vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng).

Đồng thời, hành lang liên kết giữa hai vùng lõi sẽ mở rộng phạm vi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học chứa đựng bên trong.

Hành lang đa dạng sinh học. (Ảnh minh họa)

Ở quy mô vùng, khu dự trữ sinh quyển sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kon-ha-nung-duoc-thien-nhien-uu-ai-60683.html