Thiên nhiên, văn hóa, con người: Điểm tựa để Đắk Lắk bước vào kỷ nguyên mới

Khép lại năm 2024, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk có nhiều gam màu sáng: 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; quy mô nền kinh tế duy trì đà phát triển tốt; GRDP ước đạt 145.366 tỷ đồng.

Xưởng sản xuất bồn inox của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Đăng Phong tại Khu Công nghiệp Tân An, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Xưởng sản xuất bồn inox của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Đăng Phong tại Khu Công nghiệp Tân An, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội.

Song, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển, đạt được nhiều dấu ấn quan trọng; quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển của Tây Nguyên.

Nhiều thành tựu quan trọng

Khép lại năm 2024, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk có nhiều gam màu sáng: 12/16 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch; quy mô nền kinh tế duy trì đà phát triển tốt; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - theo giá hiện hành) ước đạt 145.366 tỷ đồng, tăng 19,53% so với năm 2023, bằng 108,74% kế hoạch, đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.853 triệu USD, đạt 115,8% kế hoạch. GRDP bình quân đầu người ước đạt 74,7 triệu đồng/người, tăng khoảng 11,7 triệu đồng/người so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.430 doanh nghiệp, 75 hợp tác xã thành lập mới.

Đặc biệt, trong năm 2024, giá các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, ca cao, lúa… đều tăng, nông dân phấn khởi.

Ông Phạm Viết Quyền, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, năm 2024, giá hồ tiêu và cà phê, sầu riêng tăng cao, đặc biệt là giá cà phê và hồ tiêu liên tục vượt đỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Gia đình ông có gần 2 ha trồng cà phê theo hướng hữu cơ xen với hồ tiêu, hằng năm thu được khoảng 2 tấn tiêu và 4 tấn cà phê nhân. Một năm bội thu giúp gia đình ông phấn khởi đón năm mới 2025.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, trong năm qua, ngành đã nỗ lực tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận liên kết, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và kết nối tiêu thụ.

Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 trên địa bàn ước đạt 60.975 tỷ đồng, tăng 34,15% so với năm 2023. Đây là những kết quả đáng mừng, giúp nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh Đắk Lắk chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, cơ bản ổn định. Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao diễn ra sôi nổi.

Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp xây mới, bàn giao, đưa vào sử dụng 1.552 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Khai thác nguồn lực

Năm 2025, dự báo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng/người; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 110.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 9.000 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; chỉ số cải cách hành chính tăng 5 bậc so với năm 2024…

 Nhờ các chương trình hỗ trợ, đời sống người dân tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được cải thiện. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Nhờ các chương trình hỗ trợ, đời sống người dân tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được cải thiện. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đăng Phong, năm 2024, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, linh hoạt thích ứng để tiếp tục sản xuất kinh doanh ổn định, doanh số tăng, nhận được Giải thưởng Sao Vàng đất Việt.

Doanh nghiệp nhận định, ngành cơ khí Đắk Lắk có tiềm năng, triển vọng lớn để phát triển. Do đó, năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển, phát huy và làm tốt sản phẩm hiện có; đồng thời cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới; bồi dưỡng đội ngũ trẻ yêu cơ khí.

Doanh nghiệp đề xuất, tỉnh sớm có thông tin, quy hoạch rõ ràng về các khu công nghiệp để doanh nghiệp ổn định và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bước vào năm mới 2025, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đắk Lắk hân hoan với khí thế mới, động lực mới.

Toàn tỉnh vui mừng hướng tới Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9.

Năm 2025 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, năm về đích trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trong năm 2025, tỉnh nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch, kế hoạch, phương án sử dụng đất làm cơ sở để thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập trung đầu tư phát triển thành phố Buôn Ma Thuột và kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung chia sẻ, năm 2025, Tỉnh ủy Đắk Lắk xác định 4 nhiệm vụ lớn, trọng tâm để triển khai thực hiện là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài.

Ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người, tỉnh Đắk Lắk có nhiều cơ hội, lợi thế để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Năm mới, khí thế mới, niềm hân hoan cùng những thành tựu về kinh tế-xã hội sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thien-nhien-van-hoa-con-nguoi-diem-tua-de-dak-lak-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post1005151.vnp