Thiên phóng sự chiến trường 13 kỳ - chuyện bây giờ mới kể: Bài 2: Cây bút và bước chân 'thần tốc'

Đất nước thống nhất, miền Nam hoàn toàn được giải phóng đã 46 năm nhưng ký ức về những tháng ngày tác nghiệp và chứng kiến thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng của những nhà báo, chiến sĩ năm xưa của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) mãi in đậm trong tâm trí mỗi người.

Sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên những trang viết

“Tôi được đem cái tài mọn của mình ra phục vụ cho cách mạng lúc này, thật không có gì sung sướng hơn. Tôi tin rằng người cách mạng không bao giờ ức hiếp dân, nên tôi không nghe theo những lời tuyên truyền của Sài Gòn”

“Các chú giải phóng hiền lắm, thảo lắm cơ, bác ạ. Các cháu chạy bị đói vào chỗ các chú, các chú bới cơm cho ăn, ăn hết phần cơm của các chú, vậy mà các chú vẫn vui”

Đó là đoạn được trích trong kỳ 7 của loạt bài phóng sự “Đi từ núi Bà Đen đến thành cổ Quảng Trị”. Ở trong đoạn trích này, nhóm tác giả đã lấy ý kiến của người dân thay vì tự đưa nhận xét, ý kiến chủ quan của mình. Việc dùng ngôi thứ 3 để kể lại đã giúp cho góc nhìn về những người lính được khách quan, chân thực và xúc động. Từ lời kể của người dân, bạn đọc đã phần nào cảm nhận được phẩm chất cao quý của những người chiến sĩ giải phóng quân.

 Khoảnh khắc bình dị của các cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Khoảnh khắc bình dị của các cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Trong cuộc chiến khó khăn, gian khổ là thế, những người lính vẫn suy nghĩ cho nhân dân, cho đàn em thơ đói khát. Họ không ngần ngại san sẻ miếng cơm ít ỏi của mình để giúp các em trong cơn đói. Và dù cho đó là những miếng cơm cuối cùng thì những người lính vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Hành động ấy của người chiến sĩ như một “đốm lửa” hồng nhen lên tình người ấm áp giữa khó khăn, thiếu thốn. Qua đó, giúp cho người đọc một lần nữa cảm nhận được sự gần gũi, tình đoàn kết, gắn bó máu thịt của những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

Cũng bởi sự gắn bó mật thiết với nhân dân mà người chiến sĩ đã tạo dựng được niềm tin trong quần chúng để rồi họ phải thốt lên rằng “Tôi tin rằng người cách mạng không bao giờ ức hiếp dân nên tôi không nghe theo những lời tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn”. Có thể thấy, đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Mặc cho những luận điệu lừa bịp, xảo trá của quân địch đang cố nhồi nhét vào đầu của người dân trong vùng địch tạm kiểm soát. Thế nhưng, người dân vẫn một lòng tin tưởng vào người làm cách mạng, tin tưởng vào phẩm chất và cốt cách của họ. Thử hỏi, nếu như không có sự yêu quý bộ đội, không có tinh thần toàn dân vì nghĩa lớn, không có mối quan hệ máu thịt với Quân đội, thì làm sao người dân có thể nhất mực tin tưởng mà không mảy may nghi hoặc, lung lay.

Như vậy, có thể thấy rằng việc đưa chi tiết này vào trong bài viết đã giúp cho người đọc cảm nhận được phẩm chất cao quý của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ và sự tin tưởng tuyệt đối của quần chúng nhân dân dành cho họ.

Kỳ 7 của loạt bài phóng sự “Đi từ núi Bà Đen đến thành cổ Quảng Trị”.

Kỳ 7 của loạt bài phóng sự “Đi từ núi Bà Đen đến thành cổ Quảng Trị”.

Những chi tiết “đắt” trong bài viết đã giúp độc giả cảm nhận rõ hơn về cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ của các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam: “...Chiếc máy bay bổ nhào trút bom xuống núi cậu và núi Bà”. Chúng tôi chụp ảnh đúng vào lúc Hùng ấn cò và chụp tiếp khi khói bom cuồn cuộn đùn lên ngay trước công sự”. Mảnh bom hết tầm, văng đến chỗ chúng tôi, va vào mũ lộp cộp, cầm lên nóng bỏng tay...”, đọc những dòng này, độc giả thấy rõ nét hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ rực sáng trong trang viết của những nhà báo, chiến sĩ. Họ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, dấn thân vào những nơi hiểm nguy nhất, để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận đấu tranh chống quân thù.

Nói về loạt bài này của đồng nghiệp, Đại tá Trần Hồ Bắc, nguyên phóng viên Báo QĐND nhớ lại: Lúc đó tôi đọc rất kỹ loạt bài phóng sự này, thời điểm đó, rất hiếm khi được đọc những bài tường thuật dài kỳ, gửi hàng ngày từ chiến trường về. Đi đến đâu thì các anh ấy viết và gửi ra tòa soạn đến đó, sau đó ở nhà chắp bút lại thành một phóng sự rất xúc động. Tôi đọc thấy rất ly kỳ, hồi hộp vì trong mỗi kỳ đều có những câu chuyện bất ngờ, mắt thấy tai nghe ở chiến trường mà chỉ Báo Quân đội nhân dân ngày ấy mới có. Có ngày, tôi đi nộp bài của phòng mình lên Ban biên tập thì lại ngồi nghe các anh, các chú cùng nhau thảo luận, đọc thử cho nhau nghe bài gửi từ chiến trường về, tôi thấy xúc động lắm, cứ cảm thấy như không khí ở chiến trường như đang ùa về với mình.

 Máy đánh chữ khổ lớn dùng làm báo trong kháng chiến chống Mỹ.

Máy đánh chữ khổ lớn dùng làm báo trong kháng chiến chống Mỹ.

Làm báo “thần tốc”

Người đọc đón chờ ở Báo QĐND những năm tháng ấy, ở loạt bài tiêu biểu “Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng trị” ở 2 vấn đề. Một là, phản ánh trực tiếp tại chỗ và nhanh nhất những gì diễn ra, đáp ứng nhanh nhất những gì mà người đọc đương mong mỏi ở tờ báo. Hai là, tốc độ chuyển biến của chiến trường cực kỳ nhanh chóng, nhất là thời điểm các bài báo ra thần tốc đã là khẩu hiệu của bộ đội ta trong tất cả các cuộc tiến công, hành quân thần tốc, tiến đánh tấn công thần tốc cho nên xuất bản sớm được bài báo ngày nào là hay ngày ấy. Loạt phóng sự đã mô tả rất kịp thời và cặn kẽ, chi tiết, đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc.

Phong cách chung của lãnh đạo và phóng viên báo QĐND trong chiến tranh là bao giờ cũng bám sát chiến trường, bám sát bộ đội, bám sát cuộc sống của nhân dân ở những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến. Sự có mặt của Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước trong chuyến đi vào chiến trường đầu năm 1975 là một trong những chuyến đi rất ý nghĩa.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa- Thể thao nhớ lại:Năm 1975, nhà báo Nguyễn Đình Ước đi vào chiến trường và ông đã chỉ đạo luôn là đi đến đâu viết đến đấy, đến đâu thấy gì hỏi nấy và ông ấy đọc được nỗi lòng, sự mong chờ của của bạn đọc. Bạn đọc muốn gì? Bạn đọc muốn biết hôm nay ở núi Bà Đen ấy, ở thị xã Phước Long ấy… diễn ra những gì, cuộc sống người dân ở đó như thế nào, cuộc sống của chiến sĩ ra sao, có còn khó khăn, còn gian khổ, thiếu thốn như những năm tháng trước không, quân địch thế nào, tan rã như thế nào? Lúc đó, đối với đại đa số phóng viên, họ đều đã trải qua chiến tranh, trải qua rất nhiều trận mạc nên đối với họ những điều này là điều hết sức bình thường.

 Máy ảnh của nghệ sĩ, phóng viên ảnh Nguyễn Đình Ưu dùng tác nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ.

Máy ảnh của nghệ sĩ, phóng viên ảnh Nguyễn Đình Ưu dùng tác nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, thời kỳ đó, phóng viên đi công tác ở chiến trường, về đến nhà ngồi tĩnh tâm mới viết. Nhưng trong loạt phóng sự này thì các nhà báo đi đến đâu, viết đến đó. Cách làm này lần đầu tiên được triển khai ở Báo Quân đội nhân dân. Phóng viên khi vào chiến trường thấy điều gì đáng viết thì phát hiện và triển khai viết ngay, cách viết như thế nào, cách gửi như thế nào cũng là thực hiện ngay, vừa đi hành quân vừa viết. Phóng viên chiến trường lúc đó như là tổ tiên vẫn nói “Tướng ngoài trăm dặm”, phóng viên hoàn toàn tự quyết đi theo hướng gì, cách nào, miễn là có bài nhanh nhất gửi về tòa soạn.

“Về cách viết, những người như các nhà báo chiến trường này thì các ông ấy chính là bậc thầy về làm báo của tôi. Từ việc đọc các bài báo của họ mà chặng đường sau này tôi mới tiến bộ trong tay nghề, trong cách nhìn nhận, phản xạ của phóng viên”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Những nhà báo, chiến sĩ sống mãi trong lòng độc giả và đồng nghiệp

Là một trong những phóng viên của Báo Quân đội nhân dân có mặt vào thời khắc miền Nam được giải phóng vào ngày 30-4-1975, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nhớ lại: Khi đọc lại phóng sự 13 kỳ của nhóm tác giả này, độc giả đã thấy được không khí của chiến trường miền Nam của những ngày tháng diễn ra Mùa Xuân đại thắng năm 1975. Có thể nói phóng sự này đã giúp người đọc hình dung cụ thể về chiến trận lúc bấy giờ sôi động như thế nào, không khí giải phóng hồ hởi, náo nức ra sao. Đây là điều mà ở miền Nam, các cán bộ, chiến sĩ ta và đặc biệt là đồng bào miền Nam chưa bao giờ thấy được. Còn đồng bào miền Bắc khi đọc Báo QĐND qua loạt phóng sự này cũng thấy hiện lên bối cảnh của cuộc sống miền Nam trong những ngày tháng chiến tranh, được san sẻ cảm giác hồ hởi, vui mừng với đồng bào miền Nam- những người lần đầu tiên biết đến hòa bình, tự do.

“Bộ đội vẫn phải chịu nhiều hy sinh, nhiều gian khổ, nhưng đọc báo để thấy niềm tin tất thắng đã được hình thành, nuôi dưỡng trong suốt cả chục năm chiến tranh như thế. Khó khăn thiếu thốn, hy sinh nhưng đã sắp đến ngày kết thúc. Đến bây giờ đọc lại, tôi vẫn cảm thấy hình ảnh của một Sài Gòn tưng bừng trong ngày vui đại thắng hiện ra trước mắt”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Khi loạt phóng sự này được các đồng nghiệp thực hiện, Đại tá Trần Hồ Bắc mới vừa nhận nhiệm vụ công tác ở Báo Quân đội nhân dân được hơn 1 năm và lúc ấy đang đeo quân hàm Trung úy, ông kể: Lúc đó tôi mới về công tác tại Báo nên chưa được cấp trên cho đi tác nghiệp ở chiến trường như các đồng nghiệp. Được chứng kiến các đồng nghiệp đi vào chiến trường, tôi thích lắm nhưng cấp trên phân công phải ở nhà làm nhiệm vụ “gác gôn” nhận điện thoại, xử lý, biên tập tin, bài của các anh gửi về từ chiến trường... Lúc đó, cứ khoảng 21 đến 22 giờ thì ở các chiến trường, các đồng chí gọi điện thoại về yêu cầu ghi lại chi tiết phóng sự này, tin này, chú thích ảnh kia ... Không khí làm việc ở tòa soạn khi đó rất sôi động. Buổi tối tôi thường xuyên phải đến ngủ ở cơ quan để chờ điện thoại, có khi nửa đêm ở chiến trường, các anh em mới gọi về thông báo tin bài nên phải túc trực để nhận điện thoại.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết và Đại tá, nhà báo Trần Hồng.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết và Đại tá, nhà báo Trần Hồng.

Vào thời điểm phóng sự “Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, nhà báo Trần Hồng khi ấy đang tác nghiệp tại Điện Biên Phủ. Được đọc tác phẩm của đồng nghiệp là các thế hệ đàn anh gửi về từ chiến trường, Đại tá Trần Hồng kể: Khi đó chúng tôi là những người mới vào nghề. Tôi rất khâm phục những nhà báo thực hiện loạt phóng sự này và coi họ là những “thần tượng” của mình. Cho dù, trong cuộc sống đời thường, mỗi nhà báo đều có những cá tính khác nhau nhưng về công việc thì họ đều là những nhà báo, chiến sĩ xông pha nơi trận mạc và bài viết của họ rất chất lượng. Đến bây giờ, hình ảnh về những nhà báo này vẫn không bao giờ mất đi trong lòng tôi, mặc dù có những người đã rời cõi tạm từ rất lâu nhưng hình ảnh của họ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Đây cũng là một nền tảng để Báo Quân đội nhân dân phát triển sau này.

“Niềm vui dào dạt trong lòng, niềm vui tràn ngập khung cảnh bao quanh mình khiến cho chúng tôi phải viết gấp hơn, để trên báo còn có ghi chép tiếp về những chiến công trên đường tới Sài Gòn giải phóng, tới Mũi Cà Mau, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc đã được giải phóng”, đó là đoạn kết của loạt phóng sự gồm 13 kỳ “Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị”, trong hành trang của những nhà báo chiến sĩ thì phần kết của mỗi bài lại mở ra một bài viết khác, một vấn đề khác. Niềm đam mê và tinh thần luôn dấn thân cho nghề nghiệp đã thôi thúc họ viết và viết không ngừng nghỉ để vì bạn đọc, vì sự phát triển của Báo Quân đội nhân dân - tờ báo hai lần anh hùng, hai lần chiến sĩ.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN-TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/thien-phong-su-chien-truong-13-ky-chuyen-bay-gio-moi-ke-bai-2-cay-but-va-buoc-chan-than-toc-657883