Thiên tài thi ca từng bị giới phê bình 'bỏ rơi'
Thomas Chatterton tự tử khi mới hơn 17 tuổi vì tác phẩm không được người đời đón nhận. Đến thế kỷ cuối XVIII, giới phê bình mới phát hiện tài năng của ông.
Sáng tác từ khi 10 tuổi, những vần thơ của Thomas Chatterton (1752-1770, sinh ra tại Bristol, Anh) có ảnh hưởng tới phong trào thơ lãng mạn của Anh và thế giới sau này. Nhưng khi thi sĩ trẻ còn sống, không mấy người phê bình nhận ra tài năng thiên bẩm của ông.
Thiên tài mắc chứng khó đọc
Cha của Thomas Chatterton là thành viên trong dàn thánh ca của nhà thờ, đã qua đời khi cậu còn trong bụng mẹ.
Nhưng bất hạnh chưa dừng lại ở đó. Tuổi thơ của Thomas tràn ngập nước mắt và bị bủa vây bởi sự cô độc. Khi còn nhỏ, thiên tài nước Anh mắc chứng khó đọc. Trường học từ chối giảng dạy và cho rằng cậu là đứa trẻ bất thường, đần độn.
Quá khứ của Thomas là những tháng ngày bị nhốt một mình trên căn gác với bảng chữ cái cho đến khi cậu biết cách phát âm chúng.
Một ngày nọ, cậu bé 7 tuổi bị hấp dẫn bởi thanh âm từ tiếng đàn. Từ đó, cậu bắt đầu say mê nhạc và học cách đọc thông thạo qua âm nhạc.
Nhờ sự chỉ dạy của mẹ, Thomas Chatterton sớm đọc thông viết thạo và chứng tỏ sự nhạy cảm với thanh âm, từ ngữ. Từ khi biết chữ, Thomas đọc hết Kinh thánh và những tài liệu mà người cha quá cố để lại trong chiếc hòm cũ kỹ.
Bài thơ đầu tiên Thomas sáng tác năm 10 tuổi, có tựa đề On the Last Epiphany. Năm 1760, cậu được gửi tới trường từ thiện Golston's Hospital, Bristol. Đây là nơi có chất lượng giáo dục tệ hại, được miêu tả như nhà tù. Học sinh phải tuân thủ các quy định tôn giáo, nếu không muốn bị đuổi.
Chủ yếu thời gian của Thomas khi ở Golston's Hospital là đắm chìm trong những vần điệu, thanh âm. Năm 1767, khi gần 15 tuổi, cậu rời khỏi ngôi trường cầm tù, tới giúp việc cho luật sư John Lambert.
Công việc này cũng không tạo cho chàng trai sự hấp dẫn. Ban ngày, Thomas làm công việc tẻ nhạt. Tối đến, cậu đắm mình trong những vần thơ lãng mạn.
Giá trị để lại của thi sĩ đoản mệnh
Năm 1769, thi sĩ trẻ gom góp được “túi thơ”, mang đến nhờ Horace Walpole - nhà thơ lớn đương thời - nhận xét. Do tự ti vào khả năng của bản thân, cậu bé 17 tuổi không dám nhận mình là tác giả mà nói dối thơ của một thầy tu tên Thomas Rowley - sống ở thế kỷ XV.
Trái ngược sự háo hức và đầy nhiệt huyết của trái tim non trẻ, Walpole tỏ ra thờ ơ với các sáng tác mà Thomas mang tới. Nhà phê bình còn dành cho chàng trai 17 tuổi những lời nhận xét lạnh lùng, cay nghiệt.
Chính điều đó đã khiến Thomas Chatterton thất vọng và lặng lẽ tìm đến London, bán những bài thơ của mình cho các tạp chí. Chàng trai trẻ sống bằng nghề bán thơ châm biếm, mua vui cho đời. Nhưng công việc này cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Thomas sớm thất nghiệp và rơi vào nghèo khó, túng quẫn.
Không một xu dính túi, bụng rỗng, Thomas từ chối sự giúp đỡ của bạn bè, bởi lòng tự trọng không cho phép. Ngày 24/8/1770, nhà thơ trẻ tự kết liễu đời mình bằng thạch tín tại nhà thờ Holborn (London, Anh).
Sau cái chết của Thomas Chatterton, giới phê bình bắt đầu chú ý tới những vần thơ khác lạ của vị thầy tu Thomas Rowley. Nhiều cuộc tranh cãi trên văn đàn nổ ra nhằm tìm kiếm tác giả thật.
Sự thật về thầy tu giả Thomas Rowley được đưa ra ánh sáng. Khi đó, người ta mới phát hiện thiên tài thi ca Thomas Chatterton bị bỏ rơi. Giới phê bình thế kỷ XVIII ca tụng nhà thơ đoản mệnh là “Shakespare thứ hai”, được xem là thi sĩ mở đầu cho phong trào thơ lãng mạn nước Anh.
Các nhà thơ lãng mạn sau này như Wordsworth và Keats đều bị ảnh hưởng bởi âm hưởng trung cổ trong những vần điệu của Thomas Chatterton. Chỉ tiếc nhà thơ đoản mệnh không biết được giá trị của vần thơ mà mình mang lại.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-tai-thi-ca-tung-bi-gioi-phe-binh-bo-roi-post1080230.html