Thiên thạch rơi biến đêm thành ngày tại Nga

Một thiên thạch rơi đã thắp sáng bầu trời vùng Yakutia xa xôi ở phía Đông nước Nga vào sáng sớm 4/12, tạo ra một quả cầu lửa.

Thời điểm thiên thạch rơi tại Yakutia (Nga). Ảnh: RT

Thời điểm thiên thạch rơi tại Yakutia (Nga). Ảnh: RT

Sở tình trạng khẩn cấp tại Yakutia cho biết tất cả các cơ quan chức năng địa phương đã được đặt trong tình trạng báo động khi thiên thạch tiến gần nhưng không có thiệt hại nào được ghi nhận sau khi nó rơi.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), thiên thạch này có đường kính 70 cm. ESA đánh giá thiên thạch đã đi vào bầu khí quyển vào lúc 1 giờ 15 phút sáng giờ địa phương.

Dưới đây là video cho thấy khoảnh khắc thiên thạch rơi xuống Yakutia, Nga (nguồn: Reuters):

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện thiên thạch này từ ngày 3/12 và đặt tên nó là COWECP5. Thiên thạch di chuyển ngay phía trên thị trấn Olyokminsk, nơi có khoảng 10.000 cư dân.

Kênh RT (Nga) đưa tin, đây là lần thứ tư thiên thạch rơi vào bầu khí quyển Trái Đất, tuy nhiên, nó khá nhỏ và không quá nguy hiểm. Theo một nghiên cứu năm 2017, các vật thể đường kính trên 18 m có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Thiên thạch vỡ tan trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của Nga năm 2013 có đường kính 17-20 mét. Vụ nổ của nó gây ra sóng xung kích làm vỡ các cửa sổ trên mặt đất, làm bị thương và bỏng hơn 1.000 người.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thien-thach-roi-bien-dem-thanh-ngay-tai-nga-20241204085343386.htm