'Thiên thần' của những trẻ sơ sinh non tháng, mắc bệnh lý
Nhiều năm nay, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình đã điều trị thành công cho nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng. Đặc biệt, nhiều trường hợp trẻ sinh non kèm bệnh lý đã được các bác sĩ cứu sống mà không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Mới đây, một trường hợp bệnh nhi sinh non khi mới ở tuần thứ 25, mổ cấp cứu ra rất nhẹ cân (5,8 lạng) đã được cứu sống, trở thành "kỳ tích" đối với bệnh viện Sản-Nhi cũng như nhiều bệnh viện trong khu vực, kể cả tuyến Trung ương. Đó là bé Phạm Nhật Minh, hiện đã sinh được gần 6 tháng, nặng 3,3 kg, với các chỉ số sơ sinh ổn định, sức khỏe bình thường.
Chị Hoàng Thị Hạnh, mẹ bé Nhật Minh, thôn 4A, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Khi mang thai bé Nhật Minh, chị thấy sức khỏe không có gì bất thường, vẫn đi lại, làm việc bình thường. Tuy nhiên, vào tuần thứ 25, chị đột nhiên ra máu, vỡ ối phải cấp cứu ở bệnh viện Sản-Nhi. Tại đây, chị được mổ cấp cứu để cứu sống mẹ và được các y bác sĩ hết lòng chăm sóc, điều trị nhằm cứu được cả con bởi em bé sau mổ cân nặng quá nhỏ và non tháng.
Với máy móc, thiết bị hiện đại, sự tận tình, trách nhiệm, cố gắng hết mình và trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm điều trị thành công các ca bệnh nhẹ cân do sinh non, thiếu tháng, các y bác sĩ khoa Sơ sinh đã cứu chữa và nuôi lớn thành công bé Phạm Nhật Minh. Sau 5 tháng tích cực chăm sóc và điều trị, giữa tháng 2/2023, bé Nhật Minh đã tăng lên 3,3 kg, đủ điều kiện xuất viện về nhà.
Theo chị Hoàng Thị Hạnh, sau ca mổ cấp cứu, bản thân tôi và gia đình vô cùng lo lắng và mang nhiều sự tuyệt vọng, bởi mẹ thì rất yếu, con lại quá nhẹ cân, cơ thể ít tuần tuổi chưa được hoàn thiện. Gia đình chúng tôi nhận được sự động viên, cố gắng hết sức của các y bác sĩ để chăm sóc, cứu bằng được em bé. Thực sự lúc ấy gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào các y bác sĩ...
"Mẹ con tôi được quan tâm, tạo điều kiện nằm 2 khoa trong bệnh viện để theo dõi, điều trị và phối hợp cho con bú sữa mẹ. Con tôi được nuôi hoàn toàn trong lồng kính nhiều tháng trời, với sự chăm sóc, điều trị tận tình, chu đáo ngày, đêm của các y bác sĩ. Con được sống khỏe mạnh như ngày hôm nay chính là được sinh ra thêm 1 lần nữa từ những y bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi. Cả đời này, tôi và gia đình không bao giờ quên công ơn to lớn này của các y bác sĩ..." - chị Hạnh xúc động, nghẹn ngào chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Ngọc, khoa Sơ sinh-người có nhiều gắn bó trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho bé Phạm Nhật Minh cho biết: Bé Nhật Minh khi sinh ra quá nhỏ, đặc biệt là sinh non mới 25 tuần, còn thiếu đến 15 tuần nữa mới đủ 40 tuần cho trẻ sinh đủ tháng bình thường, nên nhiều bộ phận trên cơ thể chưa hoàn toàn hoàn thiện, dễ dẫn đến nhiều bệnh như suy hô hấp, hạ nhiệt độ, dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là đường thở thường hoàn thiện sau cùng, nên rất dễ mắc các bệnh về phổi, suy hô hấp...
Quá trình nuôi dưỡng, các y bác sĩ phải rất thận trọng, tỉ mỉ theo dõi chặt chẽ cho bé, từ cho ăn, vệ sinh, hỗ trợ đường thở... tất cả các điều kiện như bé đang được nuôi dưỡng trong bụng mẹ, giúp bé phát triển, hoàn thiện toàn diện cơ thể tốt nhất. Đây là trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, thiếu cân nhỏ tuổi thứ 2 dưới 6 lạng mà Bệnh viện Sản-Nhi đã cứu sống thời gian qua và cũng là một trong số rất ít những trường hợp hi hữu trong ngành sản khoa cả nước được cứu sống. Chúng tôi rất vui mừng, xúc động và thêm động lực để tiếp tục nhiệm vụ cao cả giành giật sự sống cho những bé sinh non, thiếu tháng...
Chăm sóc trẻ sơ sinh non, mắc bệnh lý phải điều trị trong lồng kính.
Bác sĩ Quách Hoàng Diệp, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết: Sơ sinh là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất trong cuộc đời của trẻ. Trẻ phải tập thích nghi với môi trường sống mới, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, đặc biệt là nhân viên y tế. Nhiều trẻ đẻ thiếu tháng, thiếu cân không có khả năng giữ thân nhiệt của mình ở mức ổn định và cần được sưởi ấm thêm. Trẻ sinh non phải nằm trong lồng kính có các điều kiện đặc biệt, giúp trẻ phát triển và sưởi ấm cơ thể trẻ. Đối với trẻ sơ sinh có bệnh hoặc sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân, việc chăm sóc, điều trị càng khó khăn hơn. Do đó, đặc thù của công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho trẻ sơ sinh đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có chuyên môn sâu, tận tâm với nghề và đặc biệt cần có trang thiết bị đầy đủ, hiện đại.
Trung bình mỗi tháng, khoa Sơ sinh đón tiếp trên 400 bệnh nhân, mỗi năm đón tiếp từ 4-5 nghìn bệnh nhân. Trong đó có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh sinh non, sức khỏe yếu, vàng da sinh lý, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, tim bẩm sinh, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, xuất huyết... Tại đây, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được Khoa Sơ sinh triển khai thành công, như: kỹ thuật thở máy cao tầng, làm mát não, đặt ven ngoại vi, Longline (là kỹ thuật đưa một ống thông (Catheter) dài và mảnh từ một tĩnh mạch (hay còn gọi là vein) ở vị trí ngoại biên vào tĩnh mạch lớn, tạo ra một đường truyền cố định và an toàn giúp việc truyền dịch nuôi dưỡng, truyền thuốc dễ dàng hơn và hạn chế phải lấy vein nhiều lần cho trẻ sinh non)..., góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh non tháng và có bệnh lý.
Hiện nay, tại khoa Sơ sinh, hầu hết các kỹ thuật hiện đại được thực hiện ngang tầm Bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương, chỉ còn 1 vài kỹ thuật cao, đòi hỏi trang thiết bị, máy móc hiện đại và trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Hàng năm, tỷ lệ chuyển viện tại khoa Sơ sinh chỉ chiếm khoảng 4%. Không chỉ trẻ sơ sinh non tháng, tại khoa Sơ sinh, thường xuyên cấp cứu và điều trị thành công nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân, vàng da sinh lý, viêm phổi nặng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn..., đem lại lợi ích thiết thực cho ngành Y tế và sức khỏe người dân trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi