'Thiên thần' mang bộ 'vuốt Quỷ'
Nhắc về Paul Scholes, để nhắc về một lẽ sống kiên trì, bền bỉ, không ngừng vươn tới những chân giá trị.
Dấu giày trên sân cỏ:
1. Cũng ngày này cách đây tròn 10 năm, Paul Scholes – lúc này đã 34 tuổi ký bản hợp đồng có thời hạn một năm với Manchester United.
Đây đáng lẽ đã là bản hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cuối cùng của Paul Scholes với câu lạc bộ duy nhất trong sự nghiệp của mình, nếu không phải vì những khẩn cầu của những người đứng đầu đội bóng trước cuộc khủng hoảng nhân lực do chấn thương, khiến anh thay đổi quyết định giải nghệ và ra mắt trở lại trong chiến thắng 3–2 của M.U trước Manchester City tại vòng 3 Cúp FA, ngày 8-1-2012.
Hợp đồng này, suy cho cùng chỉ là một dấu chấm nhỏ trong sự nghiệp huy hoàng của Paul Scholes ở Manchester United. Và, cũng như bao lần khác, Paul Scholes đặt bút ký vào hợp đồng mà không cần quan tâm đến nội dung. Điều này, đã thêm một lần khẳng định tình yêu bất diệt và lòng trung thành của anh với câu lạc bộ đầu tiên và duy nhất của mình. Như câu chuyện mà người ta sẽ còn kể mãi khi nhắc đến anh: Chủ tịch của Inter Milan Moratti muốn chiêu mộ Paul Scholes, ông đưa một tấm séc và đề nghị anh viết vào đó một con số mà mình muốn. Paul Scholes đã trả lời: Nếu muốn có sự phục vụ của tôi, ông phải mua cả CLB Manchester United.
Nếu những con số thống kê nói lên vị thế, đẳng cấp của một cầu thủ, thì Paul Scholes có thừa. 19 năm cống hiến cho “Quỷ đỏ” với 700 trận đấu, Paul Scholes có cho mình 2 danh hiệu Champions League, 11 lần vô địch Giải bóng đá ngoại hạng Anh, 3 Cúp FA, 2 Cúp Liên đoàn, 5 Siêu cúp Anh, 1 Cúp bóng đá liên lục địa, 1 chức vô địch Giải vô địch bóng đá thế giới các câu lạc bộ... Nhưng với Paul Scholes, danh hiệu hay tiền bạc chưa bao giờ là thứ khiến anh bận tâm. Bởi, ngay cả khi đã trở thành một siêu sao, Paul Scholes cũng là cầu thủ chuyên nghiệp duy nhất không có người đại diện, không bao giờ đưa ra yêu sách về lương, thưởng... Cuộc sống của Paul Scholes cũng được anh diễn đạt hết sức giản tiện: Sáng dậy sớm đến sân tập, chiều đón con, tối dạy con học bài, sau đó xem ti vi một chút và đi ngủ.
Những thống kê chỉ có giá trị với Paul Scholes, nếu biết anh bị hen xuyễn ngay từ khi mới sinh ra và hội chứng viêm xương chày, cơ thể yếu nhược, gày gò, chậm phát triển. Anh đến với bóng đá năm 5 tuổi chỉ với mục đích... rèn luyện sức khỏe. Sau này, trong “Thế hệ Vàng 1992”, so với đồng đội cùng lứa như R.Giggs, D.Beckham, anh em nhà Neville, N. Butt,... Paul Scholes phát triển sự nghiệp chậm hơn nhiều, đôi khi chỉ là giải pháp tình thế khi những M.Hughes rời đội bóng hay Roy Keane chấn thương. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, tận dụng từng cơ hội được ra sân, Paul Scholes đã dần khẳng định mình để rồi vươn tầm thành một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới. Người ta sẽ chẳng nhớ về những con số thống kê khô khan, nhưng sẽ mãi mãi nhớ về dư vị ngọt ngào của một trong những “sản vật” từ “Nhà hát của những giấc mơ”, đó là những cú sút xa như đạn xé, chính xác như được lập trình của Paul Scholes. Mà nếu còn nghi ngờ về điều này, chúng ta hãy dành thời gian xem lại cú vô lê bóng sống từ ngoài vòng cấm mà anh thực hiện trong trận gặp Bradford năm 2000, xuất phát từ quả đá phạt góc của D.Beckham.
Chàng cầu thủ nhỏ bé, khiêm nhường nhưng trung thành và quả cảm ấy là một phần làm nên sự vĩ đại của một trong những câu lạc bộ vĩ đại nhất thế giới. Chính HLV A.Fergusons sau này đã khẳng định: Trong sự nghiệp cầm quân của mình, ông chỉ dẫn dắt 4 cầu thủ “đẳng cấp thế giới” đó là Eric Cantona, Ryan Giggs, Paul Scholes và Cristiano Ronaldo. Còn với hàng triệu CĐV của “Quỷ đỏ”, họ trìu mến gọi anh là “Hoàng tử bé”, là “thiên thần tóc vàng”.
2. Paul Scholes mang những nét đặc trưng của người Ireland. Trong cuộc sống đời thường, Paul Scholes sống khiêm nhường, khép kín bao nhiêu, thì trên sân cỏ, anh bền bỉ, lạnh lùng, lỳ lợm, máu lửa bấy nhiêu – một “bộ vuốt” thực sự của “Quỷ đỏ”. Cá tính phần nào được lý giải bởi chính Paul Scholes trong lần hiếm hoi anh nhận lời phỏng vấn - trên BBC Radio 5 Live rằng: “Nếu đầu trận có ai đó chơi tôi, thì trong đầu tôi sẽ có ý nghĩ là tôi cần phải chơi lại họ”.
HLV Arsène Wenger đã từng nhận xét: Paul Scholes không phải là một cầu thủ... chơi đẹp. Đấy có lẽ là nhận xét có phần... tình cảm của những con người vĩ đại dành cho nhau. Khách quan hơn, tờ Dailystar từng xếp Paul Scholes là 1 trong 10 gã “đồ tể” trong kỷ nguyên Premier League.
Những nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở, bởi theo thống kê, Paul Scholes là cầu thủ nhận nhiều thẻ vàng thứ tư ở Ngoại hạng Anh với 97 thẻ và là cầu thủ nhận nhiều thẻ vàng nhất tại Champions League với 32 thẻ.
Nhưng có lẽ chẳng một ai lấy đó làm cái cớ để mà... ghét được Paul Scholes. Thậm chí, sự đối lập trong một con người càng tạc thêm sức hấp dẫn của một huyền thoại sống. Sẽ ra sao nếu Paul Scholes mang sự nhút nhát, khiêm nhường trong cuộc sống vào sân cỏ, ở vị trí có sự cạnh tranh khốc liệt nhất là tiền vệ trung tâm trong một giải đấu giàu thể lực và tốc độ bậc nhất như Premier League?. Nhất là với một con người, một cầu thủ bỏ qua mọi sân si chỉ để được chiến đấu – như lời của người đồng đội Roy Keane: Chỉ để được khoác lên mình màu áo đỏ.
3. Arron Scholes - con trai của Paul Scholes bị mắc chứng tự kỷ. Bởi thế, Paul Scholes quyết định chia tay màu áo đội tuyển quốc gia khi mới 29 tuổi để dành thời gian chăm sóc con và gia đình. Đã có những chỉ trích rằng hành động đó là hèn nhát.
Trong những ngày nay, cộng đồng mạng đang cùng nhau chia sẻ 3 chữ A trên Facebook (3 hashtag: #autism, #awareness, #a365) nhằm lan tỏa thông điệp truyền thông nâng cao nhận thức về việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục cho trẻ tự kỷ. Nhắc về Paul Scholes, để nhắc về một lẽ sống kiên trì, bền bỉ, không ngừng vươn tới những chân giá trị. Paul Scholes đã làm một việc bình dị mà bất cứ phụ huynh nào cũng sẽ làm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/thien-than-mang-bo-vuot-quy/117484.htm