''Thiền vị''trong thơ Nguyễn Bắc Sơn

Những năm tháng cuối đời, anh sáng tác ít, chỉ lúc ngẫu hứng thường làm vài câu tặng bạn bè. Thơ Anh lúc này nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc...

Tác giả: Hoàng Hạnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

Thiền vị là từ của chính nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) dùng để giới thiệu một trong hai chủ đề của tập thơ đầu “Chiến tranh Việt Nam và tôi” của Anh xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn. Trong Lời mở đầu của tập thơ trên Anh đã viết: “Những bài thơ trong tập xoay quanh hai chủ đề ảnh hưởng mãnh liệt đến đời sống tình cảm và trí tuệ của người viết: Chiến tranh và Zen: Chủ nghĩa xuất thế Đông Phương. Những bài thơ chiến tranh được viết dưới hầm ngủ trong một trại Lực Lượng Đặc Biệt, sau những lần say sưa cùng bạn hữu, những bài thơ chứa đựng Thiền vị viết sau những buổi tĩnh tọa sớm tinh sương trong một ngôi nhà ấm cúng tại Bình Thuận, thị xã Phan Thiết…”.

Tập thơ thứ hai của Nguyễn Bắc Sơn có tựa đề: “Ở đời như một nhà thơ Đông phương”, xuất bản năm 1995 và được tái bản năm 2022 tại Tp.Hồ Chí Minh. Tập thơ này không phải tác giả tự in, mà do một số bạn hữu lượm lặt in cho Anh.

Năm 2019, 5 năm sau ngày mấtcủa Nguyễn Bắc Sơn, Công ty văn hóa Huyền Đức đã xuất bản ấn phẩm: “Nguyễn Bắc Sơn tác phẩm và dư luận” với nội dung gồm toàn bộ tác phẩm thơ, và phần Dư luận gồm 12 bài viết về thơ Nguyễn Bắc Sơn của các nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi trong cả nước. Nội dung các bài viết này chủ yếu bàn về chủ đề chiến tranh trong thơ Nguyễn Bắc Sơn và đều tỏ ra thích thú trước giọng thơ ngông nghênh, ngang tàng nhưng đầy chân thực và truyền cảm của nhà thơ.

Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi muốn được trình bày những cảm nhận của mình về “Thiền vị” trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, với cái nguyên nghĩa là: “Những nguyên tắc nền tảng của đời sống xuất thế Đông phương”, như chính lời nhà thơ đã gửi gắm đến người đọc trong đoạn mở đầu tác phẩm.

Trước tiên, xin giới thiệu những đoạn trích các bài viết trong ấn phẩm: “Nguyễn Bắc Sơn tác phẩm và dư luận” gồm những nhận định xa, gần đến chủ đề Thiền vị trong thơ Nguyễn Bắc Sơn:

-“Không phải chỉ ngông nga ngông nghênh chật đường mà đủ làm thiên hạ mê say. Trong cái nghênh ngang phải có gì đẹp đẽ, sau vẻ nghênh ngang phải thấp thoáng một tâm hồn phong phú, những xúc cảm tinh tế, chân thành, những lời lẽ đầy duyên dáng… Có thế may ra mới…” (Võ Phiến - Thơ Nguyễn Bắc Sơn).

-“Thật vậy, ở ngoài đời Nguyễn Bắc Sơn hiền như… Bụt, với nụ cười chân chất dễ thương, bởi trong sâu thẳm, anh là một đạo gia, một thiền sư chính cống…” (Đỗ Hồng Ngọc - “Thy đạo” của Bắc Sơn).

Đã dông dài rào đón làm mất nhiều thì giờ bạn đọc, chúng tôi xin đi vào chủ đề Thiền vị qua đoạn thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Bắc Sơn được nhiều người nhắc đến:

…Mai ta đụng trận ta còn sống

Về ghé Sông Mao phá phách chơi

Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm

Đốt tiền mua vội một ngày vui…

(Mật khu Lê Hồng Phong - Nguyễn Bắc Sơn)

Theo nhà phê bình Đặng Tiến, đây là đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện trên báo giới Sài Gòn khoảng năm 1970. Qua góc nhìn Thiền vị chúng tôi cảm nhận đầu tiên là cái bình tĩnh đến thản nhiên của tác giả trước giờ ra trận, trước cái chết, thể hiện như một người đã biết chấp nhận thực tại: cái gì đến sẽ đến, lo sợ mong cầu là vô ích:

-“… Hỡi ơi sống chết là mưa nắng / Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình…” (Thảo khấu - Nguyễn Bắc Sơn)

Cái bình thản của nhà thơ khoác nhầm áo lính, không phải xuất phát từ một tâm hồn đã quá chai sạn với chiến tranh mà từ một tâm trí đã chạm vào cái tuệ của minh triết Đông phương: sinh tử chỉ là hai mặt luân chuyển của một vòng đời:

-“Một trẻ con mới sinh/ Chắc gì là điều đáng vui/ Một người chết/ Chắc gì là điều đáng tiếc” (Con trai ta chào đời người bạn ta nằm xuống - Nguyễn Bắc Sơn)

Cái sâu thẳm trong câu thơ có vẻ như bất cần đời trên đã làm người đọc ngạc nhiên. Nhưng điều tiếp theo của câu chuyện mới làm xúc động lòng người vì bỗng nhận ra được tấm lòng nhân hậu của nhà thơ, chợt sáng lên trong góc của cuộc mua vui: “Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm”. Vâng, nhà thơ không chỉ nghĩ giải sầu cho riêng mình mà còn muốn chia sẻ, giúp làm vơi bớt nỗi sầu cho các cô gái mua vui. Tình thương này có sự nhận biết từ thực trạng xã hội trước năm 1975 của Anh:

-“Nếu không có các nhà điếm tại bốn quận miền Bắc / Con số các cô gái nhà lành / Và lường gạt tình yêu / Đương nhiên sẽ gia tăng / ...Tôi nhân danh một kẻ làm thơ / Có điều khuyên các cô nhà lành/ Là trước khi lên giường ngủ / Nên nguyện cầu cho các ân nhân”. (Không có điều gì không thể khoan dung - Nguyễn Bắc Sơn)

Có thể thấy rằng đoạn thơ 4 câu trên đã làm xúc động lòng người, vì sâu thẳm dưới cái áo ngông nghênh, phá phách, bất cần đời đó là cái thiền vị bàng bạc: lòng từ bi và trí tuệ, những nguyên tắc nền tảng của Phật giáo và minh triết Đông phương.

Bài thơ: “Ở đời như một nhà thơ Đông phương” in trong tập “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, sau được in lại và dùng làm đề tựa cho tập thơ thứ hai xuất bản năm 1995. Điều này cho thấy có sự cảm nhận của người đọc và các bạn hữu của Nguyễn Bắc Sơn về Thiền vị trong thơ Anh:

Y là một nhà chiêm bái đích thực

Có cần chi

Đi hàng nghìn dặm đường

Để nhìn các thánh tích

Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chín vàng

Và tìm thấy lòng hảo tâm của trời đất…

Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ.

(Ở đời như một nhà thơ Đông phương - Nguyễn Bắc Sơn)

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đến với đạo Phật không phải bằng niềm tin mà bằng trí tuệ:

“…Bạn bè đã chia xa, ta khề khà cùng sách vở / Mất bảy năm trời ta hiểu Thích Ca/ Ôi nụ cười đó từng đêm ta mất ngủ…” (Chân dung Nguyễn Bắc Sơn - Thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Anh đã biết rằng không cần phải đi tìm kiếm nơi các thánh tích xa xôi, bởi chân lý có ở ngay thực tại, chỉ cần chú tâm để nhận ra. Chiêm bái đích thực là chú tâm quán chiếu cái thực đang có mặt, để thấy ra mối liên hệ của vạn pháp với bản nguyên, của tất cả với một. Quán chiếu đồng lúa chín để nhận biết trong hạt lúa vàng có đất, nước, lửa, gió, mồ hôi và tấm lòng của người nông dân, là ân huệ của cuộc sống dành cho mỗi người. Có cả vũ trụ trong hạt lúa, hạt lúa nuôi dưỡng ta vì vậy trong ta cũng có cả đất trời, vũ trụ.

Sau năm 1975, thơ Nguyễn Bắc Sơn không còn chất giọng bi phẫn ngông nghênh do phản kháng thời cuộc như trước. Nhưng vì đất nước còn nhiều khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nên thơ Anh còn có giọng điệu chua chát pha chút ngang tàng cố hữu. Tuy nhiên, trong từng chữ, từng câu thơ vẫn là tấm lòng nhân ái với đời:

…Anh có nghe chuyện đời em lận đận

Những chuyến đi buôn những chuyến xe đò

Tiếng nói sau lưng lời chua chát nhỏ to

Dòng lệ em khô nhưng vẫn là dòng lệ mặn

Đã qua chưa ôi cái thời đăng đẳng

Đứng bên kia sông cũng ngó thấy điêu tàn…

(Người hoa khôi áo rách - Nguyễn Bắc Sơn)

Cái thời đăng đẳng, điêu tàn đó là cái thời bao cấp, những cô hoa khôi thời trước nay phải chạy chợ kiếm sống qua ngày. Thời thế khó khăn ai cũng khổ, bản thân nhà thơ cũng phải hành nghề châm cứu, dịch thuật… kiếm sống nhưng không than thở cho mình mà lại dành thương cảm cho người.

Rồi cái thời khó khăn cũng qua đi. Nhà thơ đã có cuộc sống bình yên bên gia đình, và nhiều thời gian thong thả rong chơi đây đó cùng bạn hữu. Anh cũng thường đi câu, một sở thích từ thời trai trẻ:

Ta thích ngồi câu bên bờ sông

Để cho tâm trí được phiêu bồng

Cá chẳng đớp mồi càng thích thú

Miễn là câu được đám mây bông

(Đi câu - Nguyễn Bắc Sơn)

Ngồi câu chỉ là cái cớ để được yên tĩnh một mình, chẳng khác nào được ngồi thiền bên bờ sông. Câu thơ cho thấy căn cơ, tâm nguyện của một hành giả, như Anh đã viết khi còn trẻ:

-“Ước gì ta lên được núi cao / Và tịnh cốc / Để đi nốt con đường thiền / Con đường trước mặt / Ôi hạnh phúc / Bao giờ ta biến thành ngươi ?!...” (Những dự tính lãng mạn đầu năm 1970)

Những năm tháng cuối đời, anh sáng tác ít, chỉ lúc ngẫu hứng thường làm vài câu tặng bạn bè. Thơ Anh lúc này nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc:

…Cuối đời thi sĩ thành con nít

Chơi đùa trên bãi bến hư không

Kim Cương, Bát Nhã dòng phơi phới

Đại đạo trở thành một nhánh rong

Án ma ni bát di hồng.

(Không đề - Nguyễn Bắc Sơn)

“Con nít” vì không có những thứ mà người lớn phải lao tâm khổ tứ để có như danh hiệu, địa vị, giải thưởng… Nhưng lại có được nhiều tình thương mến, hồn nhiên của mọi người. Có lẽ Anh đã bắt gặp hạnh phúc ở cuối hành trình với cái gùi chỉ chứa chân không của mình. Đã đến “bến hư không” rồi thì chiếc bè sang sông chỉ còn là chiếc lá, nhánh rong trôi giữa dòng. Không có gì cần quan tâm nữa khi đã biết có viên ngọc lấp lánh giữa cành sen thanh tịnh. Chỉ còn một nụ cười:

-“… Cười mỉm an lành một thái không…” (Không đề - Nguyễn Bắc Sơn).

Tác giả: Hoàng Hạnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thien-vi-trong-tho-nguyen-bac-son.html