Thiêng liêng bàng vuông
Đối với người lính đảo Trường Sa, những quả bàng vuông như 'báu vật' của mình, bởi loại quả ấy bình dị nhưng lại như có phép màu, níu giữ niềm hy vọng, nhân lên niềm vui, cộng hưởng niềm hạnh phúc. Và người lính đảo còn dành những cây bàng vuông làm món quà tặng cho khách từ đất liền ra, hay cho người thân bạn bè khi hết hạn canh giữ đảo xa.
Người Việt Nam ai cũng chung cảm giác bồi hồi, xúc động khi nghe đến Trường Sa, Hoàng Sa. Hướng về những dải đảo diệu vợi xa giữa biển ấy, là tự hào – gắn bó, là lo lắng - thắc thỏm, là day dứt. Bây giờ, Trường Sa đã được nối gần với đất liền bằng những chuyến tàu, chuyến máy bay. Những phóng viên như chúng tôi, với đặc thù nghề nghiệp, may mắn năm nào cũng được tổ chức ra đảo. Hành trang mang về là tình yêu tổ quốc dâng trào và những món quà của người lính đảo – quả bàng vuông. Với tôi đó là món quà vô cùng thiêng liêng.
Mỗi lần có đồng nghiệp ra Trường Sa, tôi đều dặn mang về quả bàng vuông cho mình. Một lần được nhận quà, tôi đặt quả bàng vuông cùng với hòn đá đem về từ đất Tổ trên bàn thờ. Bởi tôi nghĩ giữa quả bàng vuông từ đảo xa của Tổ quốc với hòn đá từ núi Nghĩa Lĩnh như có mối liên hệ thẳm sâu. Có một đồng nghiệp sau chuyến đi Trường Sa kể cho tôi rằng, mỗi người lính Trường Sa đều có chiếc hòm bằng gỗ hoặc tôn để cất giữ "báu vật" cho mình. Trước đây, "báu vật" thường là những con ốc xà cừ, những nhành san hô nhiều màu sắc, nhưng giờ là những quả bàng vuông.
Người lính nào gom được nhiều quả bàng vuông, người đó trở thành giàu có và hạnh phúc. Những quả bàng vuông thành quà cho khách từ đất liền ra, thành quà cho người thân bạn bè khi hết hạn canh giữ đảo xa. Những quả bàng vuông bình dị lại như có phép màu, níu giữ niềm hy vọng, nhân lên niềm vui, cộng hưởng niềm hạnh phúc. Sâu xa hơn, những quả bàng vuông - báu vật của người lính Trường Sa kia có thể sẽ bén rễ, nảy lộc đâm chồi ở những vùng quê xa của Tổ quốc.
Anh hùng Lê Mã Lương có lần ra đảo Trường Sa công tác. Món quà anh nâng niu cất giữ trước khi rời đảo là những quả bàng vuông. Vị tướng Anh hùng trông coi Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã gieo ươm những quả bàng ngay khuôn viên bảo tàng. Và một cây bàng vuông đã nhú mầm, nảy lá. Bàng vuông ưa nắng gió, chưa quen với mùa đông xứ bắc nên những ngày lạnh giá, ông lại dùng vải quấn thân cây chống rét. Dưới chân Cột cờ Hà Nội bên đường Điện Biên Phủ, cây bàng vuông có gốc từ Trường Sa tỏ ra hợp với đất lành và nắng gió Thăng Long - Hà Nội.
Một lần vào dịp cuối năm, theo tàu Hải quân vùng ba, tôi đến huyện đảo Lý Sơn. Người bạn từng đến Lý Sơn khuyên tôi nên dành thời gian đến chùa Hang. Ngôi chùa không có sư, không cổng không cửa, nằm gọn trong hang đá, hướng ra biển Đông, hướng ra phía quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Hang đá như miệng Cá Ông khổng lồ nhoài ra phía bãi cát chân sóng, lòng hang trũng xuống, có cảm giác thấp hơn mặt sóng, chứa bên trong những nhũ đá và những pho tượng kỳ ảo. Trong buổi hoàng hôn bóng chiều chập choạng, đèn nến khói nhang mờ tỏ, ngôi chùa càng trở nên huyền bí.
Trước cửa chùa không xa là cụm cây cổ thụ cành lá xum xuê, xanh thẫm, thân xù xì, gân guốc. Tôi nhận ra đó là những cây bàng vuông cổ thụ, tuổi đến mấy trăm năm. Tôi chợt nghĩ, hình như có mối liên hệ nào đó giữa vùng đảo cổ Lý Sơn, nơi từ mấy trăm năm trước, hàng năm có những đội lính vâng mệnh triều đình tuần thú trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa. Những người ở Lý Sơn mà tôi hỏi chuyện đều nói thành tục lệ, người dân trên đảo vẫn ra chùa Hang thắp hương cầu nguyện cho những người thân vượt biển ra Hoàng Sa, Trường Sa hoàn thành trọng trách, bình an trở về...
Sau này, tôi may mắn hai lần được lên con tàu HQ 996 ra Trường Sa. Cả hai lần, tôi đều kiếm được những quả bàng vuông ưng ý cho mình và cho bạn bè. Lần đến đảo Nam Yết, tôi sung sướng khi được người lính hái tặng mấy quả bàng vuông, quả nào cũng tròn căng, mập mạp hơn bất cứ quả bàng vuông nào trên những đảo nổi mà tôi đã qua. Cũng trên đảo Nam Yết, chúng tôi choáng ngợp ngắm nhìn những cây mù u cổ thụ có thân năm, sáu người ôm, tán xòe rợp một góc đảo, hoa cánh trắng nhụy vàng chi chít mà hương dịu nhẹ. Ngồi dưới vòm xanh mù u cổ thụ trên đảo Nam Yết, chúng tôi cứ ngỡ đang ở vùng đất Nam Bộ ngút ngát mù u./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thieng-lieng-bang-vuong-205633.htm