Thiêng liêng những đền thờ người mẹ
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người mẹ có một vị trí cực kì lớn lao. Nếu như miền Bắc là nơi phát triển mạnh của đạo mẫu và các đền thờ Mẫu, thì dải đất miền Trung và Nam bộ là nơi ghi dấu của rất nhiều đền thờ 'người mẹ lớn', từ mẹ tự nhiên cho đến người mẹ bảo vệ người dân trong cuộc mưu sinh.
Những người mẹ núi
Nam bộ là vùng đất được khai phá muộn hơn các vùng đất khác. Và tín ngưỡng nơi đây cũng mang sự ảnh hưởng, pha trộn của nhiều vùng đất khác nhau trên cả nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển mạnh mẽ ở phía Bắc, và khi vào khu vực Nam bộ, tín ngưỡng này có những biến thể phù hợp với tính cách, với văn hóa, tập tục của người dân. Ở miền Nam, “Mẫu” trở thành những hình tượng hết sức gần gũi với đời sống người dân, đó có thể là nữ thần của núi, của sông, của ngũ hành.
Có thể thấy rõ điều này ở rất nhiều tỉnh từ Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ, bởi hầu như tỉnh nào cũng có một đền thờ Mẹ được người dân trong vùng kính ngưỡng. Như chùa bà Đen ngự trên núi bà Đen - Tây Ninh, nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, chùa bà chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc, An Giang, chùa bà Thiên Hậu Bình Dương, chùa bà Thiên Hậu TPHCM…
Chùa bà chúa Xứ núi Sam được coi là ngôi đền thiêng thờ người mẹ lớn có quy mô hàng đầu khu vực Nam bộ. Khởi thủy, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay.
Truyền thuyết về Bà kể rằng, một ngày nọ, người dân vào núi đốn củi, tình cờ phát hiện một pho tượng phụ nữ ở giữa rừng bèn về báo với dân làng. Sau đó, bà con cùng nhau đưa tượng Bà về và lập miếu thờ. Một truyền thuyết khác kể thêm rằng có một vị thần linh tự xưng là bà Chúa Xứ Châu Đốc, báo mộng cho dân làng chọn chín cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam đưa tượng về lập miếu thờ sẽ được phù hộ. Sau đó, chín cô gái được chọn cử lên đỉnh núi để tìm tượng và quả nhiên họ tìm thấy một bức tượng tạc hình một người đàn bà trong tư thế ngồi, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn thẳng về phía trước, đưa về rửa sạch sẽ và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được “an vị” tại miễu làm ngày lễ Vía Bà.
Một truyền thuyết khác liên quan đến ngôi miếu này, đó là nói về công lao ông Thoại Ngọc Hầu. Khi ông đi dẹp giặc ngoại xâm ở biên giới, bà Châu Thị Tế đã khấn vái Bà Chúa Xứ phù hộ ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, ông Thoại Ngọc Hầu cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây một ngôi miếu khang trang dưới chân núi và chọn ngày 24/4 là ngày cúng lễ Bà.
Còn theo nhà khảo cổ người Pháp – Malleret nghiên cứu năm 1941, thì tượng Bà thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần). Với thần thái thâm trầm và cao quý, được làm bằng đá son và giá trị nghệ thuật rất cao. Tượng bà được tạc vào cuối thế kỉ VI và có thể đây là hiện vật của nền văn hóa Óc Eo.Nhà văn Sơn Nam cũng đã chép rằng: Tượng Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên núi Sam. Sau này được người Việt đem về, tân trang lại với nước sơn, mặc áo lụa, đeo dây chuyền.
Người dân tin rằng, sự linh thiêng của Bà giúp họ “cầu gì được nấy”. Người đến hành hương, cầu nguyện, kẻ đến trả lễ khiến ngôi đền lúc nào cũng đông đúc tấp nập. Thông thường, người dân đến trả lễ thường đem theo các lễ vật quen thuộc như heo quay, mâm hoa quả. Nhưng cũng không ít người tin rẳng, cúng xiêm áo, chuỗi hạt quý để mặc hay đeo trên cổ bà thì may mắn sẽ bội phần. Theo sách kỷ lục của An Giang 2009, tượng Bà được xem là pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất.
Từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch là mùa trảy hội hành hương vía Bà Chúa Xứ, đây là lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm, chùa Bà thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, tham quan.
Nơi thờ mẫu khác khá nổi tiếng ở Nam bộ là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, điểm du lịch tâm linh làm nên tên tuổi của vùng đất Tây Ninh.
Truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, truyền thuyết được nhiều người dân truyền miệng nhất là câu chuyện về bà Lý Thị Thiên Hương, còn có tên khác là cô Đen, xinh đẹp và võ nghệ cao cường.Là một cô gái mộ đạo, Thiên Hương thường lên chùa lễ Phật. Trong một lần lên chùa, cô gái chạm trán bọn đạo tặc. Dù võ nghệ giỏi giang, nhưng sức không thể chống trả bọn cướp đông và hung hãn, Thiên Hương đành lao xuống vực, tự sát. Sau khi chết, Thiên Hương thường hiển linh, luôn ban phước lành cho chúng sinh, thiện tín mười phương, nên dân gian mới kính trọng gọi Thiên Hương là Bà Đen, như cái tên thân thiết của cô. Người ta lập đền thờ Bà trên núi, núi này cũng được gọi là núi Bà Đen. Lễ hội Vía Bà chia làm 2 thời điểm: mùa xuân vào tháng Giêng và mùa hạ vào tháng 5. Lễ hội mùa xuân diễn ra vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hàng năm. Nhưng trong suốt tháng Giêng và sang cả tháng 2, núi Bà Đen vẫn đón tiếp hàng triệu lượt khách đến hành hương cầu mong bình an cho gia đình.
Ngôi chùa này đã tồn tại được hơn 300 năm, lúc đầu chỉ là cái miếu nhỏ sau đó được trùng tu, xây dựng như ngày nay. Trước kia, để đến viếng Bà, du khách sẽ phải làm một cuộc hành trình lên ngọn núi Bà Đen. Giờ đây, tuyến cáp treo đang mở dư kiến sẽ càng làm ngôi chùa thêm đông đúc khách thập phương hành hương hơn nữa.
Thú vị hình tượng “mẫu thần” trong văn hóa các dân tộc, vùng miền
Trên đất nước Việt Nam, với sự đa dạng các dân tộc, nên những ngôi đền thờ “mẹ” cũng rất phong phú. Ở dải đất miền Trung có không ít ngôi đền thờ Nữ thần Po Inư Nưgar. Đây là vị Nữ thần đặc biệt quan trọng trong văn hóa Chăm. Tương truyền,bà dạy người Chăm biết cách trồng lúa, dệt vải, là vị thần đầy quyền năng sáng tạo. Bà đã nâng đỡ người Chăm đi những bước đầu trong tiến trình lập quốc của mình. Thế nên, với người Chăm, dù theo bất cứ tôn giáo nào, vị trí của nữ thần chính là người mẹ lớn tôn quý mãi mãi trong tín ngưỡng của họ, với vị trí đặc biệt.
Với người Hoa khu vực phía Nam, bà Thiên Hậu là người mẹ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Tương truyền, bà Thiên Hậu có tên thật là Lâm Mặc Nương, một phụ nữ tốt bụng và dũng cảm, luôn giúp đỡ mọi người, bất chấp hy sinh thân mình. Vào thế kỷ 18, nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành khi di dân sang Việt Nam sinh sống, tin rằng chính sự hiển linh của bà đã giúp họ đến vùng đất mới an toàn, an cư lạc nghiệp nên xây đền thờ thờ bà. Ngày nay, có thể thấy ở cộng đồng người Hoa Chợ lớn, Bình Dương hay một số tỉnh Tây Nam bộ vẫn có những đền thờ bà Thiên Hậu.
Người dân miền biển khu vực Trung bộ cho đến Nam bộ thường có đền thờ Mẹ Nam Hải. Mẹ Nam Hải thường là Phật bà Quán Thế Âm, vị Bồ tát nổi tiếng trong đạo Phật. Nhưng, với ngư dân vùng biển từ Trung đến Nam bộ, dường như hình tượng mẹ Nam Hải đã vượt ra khỏi một tôn giáo. Mẹ Nam Hải đã trở thành vị thần biển cả, bảo hộ cho những người làm nghề biển như ngư dân, ngư nghiệp. Mẹ, với hình dáng Phật bà Quan Âm gương mặt từ bi, đôi tay khép nhẹ hướng mặt ra biển. “Mẹ” đang dõi theo và bảo vệ những đứa con đang lênh đênh trên biển mưu sinh. Đền thờ “Mẹ” cũng là nơi những người vợ xa chồng đến cầu nguyện bình an, gửi gắm niềm tin đoàn tụ…
Có thể thấy, mỗi một đền thờ “Mẹ” gắn với văn hóa truyền thống, với tập tục của một dân tộc, một địa phương. Những đền thờ mẹ núi, mẹ sông, hay người “Mẹ” đến từ truyền thuyết dân gian, tôn giáo đều cho thấy niềm tin của người Việt gửi gắm vào hình tượng người mẹ. Đó là ước mong được chở che, nâng đỡ, bảo vệ và yêu thương.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/thieng-lieng-nhung-den-tho-nguoi-me-589160.html