Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1: Tổ quốc từ biển
Đầu năm 2024, tôi vinh dự được cùng 100 phóng viên báo, đài trên khắp mọi miền đất nước, cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân, do Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, làm Trưởng đoàn, mang quà tết; thăm, chúc tết nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. 18 ngày trải qua khắc nghiệt của sóng gió và cách trở, để thấu những hi sinh, kiên trung thầm lặng, lớn lao, của biết bao thế hệ người lính, làm nên lá chắn vững chắc từ hướng biển, điểm tiền tiêu thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc.
Kỳ 1: Tổ quốc từ biển
Những người lính hải quân luôn tâm niệm và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng khối đoàn kết, để vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để Tổ quốc từ biển, là pháo đài niềm tin trong lòng người dân Việt.
Tình riêng nén lại, hi sinh lặng thầm
Hụ những hồi còi chào bến cảng, đất liền, đồng chí, đồng đội, tàu 561 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955 Vùng 4 Hải quân) bắt đầu rẽ sóng, hướng đến đảo Trường Sa. Hải trình 250 hải lý (500 km), cách trở gian nan gấp bội phần, bởi đang sóng to gió lớn. Những đợt sóng dồn dập xô ngang, những trận gió rít ù ù đập mạnh làm con tàu rung lắc. Hầu hết chúng tôi đều bị những trận say sóng hành hạ. Có nhiều nữ phóng viên (PV) nôn ói, kiệt sức. Tưởng chừng như chẳng đủ hơi sức, tâm trí nào để quan tâm đến bất kì điều gì khác ngoài vật vã sóng gió phải chịu đựng.
Nhưng điều đó trở nên “nhỏ bé”, khi chúng tôi chứng kiến mất mát bất ngờ của một người lính hải quân (đang trên tàu, trên đường ra quần đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ).
Anh nhận tin từ quê nhà, người bố ruột vừa qua đời. Đó là mất mát lớn nhất của đời người. Theo truyền thống đạo lý của người Việt, đây là lúc dù làm ăn sinh sống ở xa, con cái cũng trở về, thực hiện tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng đối với đấng sinh thành, dưỡng dục.
Nhưng người lính ấy đang thực hiện trách nhiệm cao cả, thiêng liêng hơn, đó là trách nhiệm đối với đất nước, Nhân dân, sát cánh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Một năm sau hay lâu hơn thế nữa, người lính ấy mới có thể về thăm nhà. Lặng lẽ hướng ra biển, bên anh là đồng đội động viên, chia sẻ, để vơi đi phần nào nước mắt lăn xuống gương mặt rắn rỏi phong ba. Để con tàu đang lựa sóng lựa gió, vững vàng tiến về phía trước.
"Đối với người lính hải quân, nhất là những người lính nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa, là nhận nhiệm vụ chiến đấu; lên tàu rồi, coi như đi chiến đấu, không thể quay lại, cho dù tàu mới rời cảng vài mét. Mọi tình riêng đều gác lại, chỉ đến lúc hoàn thành nhiệm vụ, mới quay về"- Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác, chia sẻ.
Thiếu tá Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A (trước đó đã từng nhiều năm thực hiện nhiệm vụ tại các đảo Phan Vinh, Sinh Tồn Đông, Đá Lát) vẫn đầy nguyên xúc động, khi nhớ những lần cùng đồng đội kính cẩn lập bàn thờ tại đơn vị, khi CBCS trên đảo, có cha, mẹ qua đời ở quê nhà, mà các anh không thể về báo hiếu.
Vậy nên, cũng trong lúc chúng tôi trên con tàu đang trong hải trình vượt sóng gió, đến quần đảo Trường Sa, nhận tin ông nội của mình qua đời, Nguyễn Ngọc Mai Thi-PV Đài phát thanh & truyền hình Hậu Giang-khóc nấc. “Bây giờ biết làm sao? Con không thể về bên nội lúc này, nội ơi”.
Thiếu tá Dương Văn Đắc, Chính trị viên phó Hải đội 411, Lữ đoàn 955 và nhiều CBCS tàu 561 đã ở bên, chia sẻ, động viên Thi bằng cách bộc bạch một cách dung dị về những hi sinh lặng thầm của biết bao thế hệ người lính: “Cha mẹ, vợ, con của người lính, đặc biệt người lính hải quân, lúc ốm đau bệnh tật, thậm chí qua đời mà người cha, người chồng, người con vẫn biền biệt nơi đầu sóng ngọn gió, là chuyện thường xảy ra, không thể tránh khỏi. Mỗi người lính và gia đình của họ đã nén lại tình riêng; đồng chí đồng đội yêu thương, sẻ chia, động viên nhau, mới chắc tay súng, vững ý chí, để giữ bình yên biển, đảo”.
Trong trái tim mình, tôi dành một tình yêu đặc biệt đối với Trường Sa. Bây giờ, trải qua 18 ngày gian nan sóng gió, được đặt chân lên những hòn đảo mà tên gọi đã trở thành thân thương: Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Đá Tây…, tôi mới hiểu vì sao Trường Sa là tiếng gọi thiêng liêng trong triệu triệu trái tim người Việt. Bởi vì nơi đó, giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa những cơn sóng dữ trùm lên, có những hòn đảo kiên cường và những người lính trung kiên, nén lòng gác lại hạnh phúc đời thường, để vững chắc tay súng nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Khi đến đảo Đá Đông B, trước người lính nghiêm trang bồng súng đứng gác trên nóc đảo, mặt sạm nắng và gió muối, nhà báo Phí Hoàng Lê, báo điện tử VOV xúc động: “Anh có thể đồng ý để em chụp một tấm hình”? “Có thể. Nhưng thôi đừng. Bởi nếu em chụp hình anh đăng lên báo, lỡ nhìn thấy, vợ con anh lại nhớ chồng, nhớ cha khắc khoải hơn”.
Sau giây phút lặng người, nhà báo Phí Hoàng Lê cởi chiếc khăn rằn đang quàng, nghèn nghẹn: “Xin được tặng anh chiếc khăn này”. Thiếu tá Lê Gia Dũng (y sĩ của đảo) nở nụ cười thật hiền: “Bây giờ anh đang thực hiện nhiệm vụ, không thể một giây, một phút buông súng xuống. Nhờ em đặt vào kho, hết ca trực anh sẽ nhận”!
Trước gương mặt cháy sạm vì nắng và gió muối, vì bao vất vả gian nan nhưng ý chí kiên định khi thực hiện nhiệm vụ của Thiếu tá Lê Gia Dũng, trong trái tim tôi ngập tràn hình ảnh của bao thế hệ người lính Trường Sa đã chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư, vượt qua gian nan để kiên cường nơi đầu sóng, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/ Ta vẫn vượt qua..." (lời bài hát Khúc quân ca Trường Sa)
Vậy nên, đối thoại dù ngắn ngủi nhưng từ những trái tim tràn đầy cảm xúc trên nóc đảo Đá Đông B đầy nắng, gió ran rát muối, xung quanh bốn bề sóng vỗ, đã lấy đi của tôi bao nhiêu là nước mắt. Nước mắt của yêu thương và kính trọng.
Với 21 đảo trong quần đảo và những con tàu- cột mốc sống trên biển, có biết bao CBCS hải quân đang nén lại hạnh phúc riêng tư như thế. Vợ con, gia đình của họ dù nhận về mình khuyết hao hơi ấm, vẫn là hậu phương thủy chung, để người lính yên tâm cầm chắc tay súng nơi đầu sóng gian nan. Để từ hướng biển, Trường Sa là lá chắn vững chắc của Tổ quốc, bảo vệ bình yên.
Tô thắm lá cờ Tổ quốc, giữ niềm tin
Sẽ không ở đâu và không bao giờ có được xúc động thiêng liêng da diết, như cảm xúc trong buổi chào cờ đầu năm tại đảo Trường Sa. Trước cột mốc chủ quyền trên hòn đảo uy nghi bên chân sóng (hòn đảo mà trong tình cảm của CBCS hải quân, là trái tim của quần đảo Trường Sa), các lực lượng quân, dân trên đảo nghiêm trang và thành kính hướng lên lá cờ thắm đỏ, đang hiên ngang tung bay.
Phút cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, nghe trong tiếng sóng âm vang vọng về, có hồn thiêng của 64 anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cuộc đời mình, anh dũng ngã xuống trong trận chiến chống xâm lược năm 1988- trận chiến Gạc Ma bi hùng. Đảo Cô Lin, Len Đao đã được giữ bằng sự hi sinh xương máu ấy, để cờ Tổ quốc tung bay hào hùng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng. Hồn thiêng các thế hệ ngã xuống để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, đã trở thành hồn thiêng đất nước, mãi tô thắm lá cờ Tổ quốc- niềm tin và tự hào của mỗi người dân Việt.
10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hào hùng hòa cùng tiếng “Xin thề”, quyết tâm từ trái tim CBCS hải quân và các lực lượng trên đảo. “Hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”, ngân cùng tiếng sóng Trường Sa, là “tôn chỉ” để mỗi CBCS hải quân trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi người lính trên sóng gió Trường Sa, là niềm tin vững chắc của ngư dân, của Nhân dân, Tổ quốc.
Lùi ngược lại thời gian, có thể tìm thấy số liệu, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn ngư dân, tàu thuyền của người dân Việt và cả tàu thuyền nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam, được lực lượng hải quân dốc sức, dốc lòng, bất kể không gian, thời gian, bất chấp hiểm nguy, cứu hộ, cứu nạn, giành giật lại sự sống khi đang trong lằn ranh sinh tử. Hôm chúng tôi đang vui xuân cùng CBCS, Nhân dân trên đảo Trường Sa, cũng là lúc tàu cá của ngư dân Bình Định cập vào âu thuyền đảo Trường Sa, tiếp nước ngọt.
Những cái bắt tay thật chặt giữa Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa với các ngư dân, những nụ cười thân tình và lời hỏi han nhau mộc mạc. Khi CBCS đảo Trường Sa tặng cờ Tổ quốc, các ngư dân bộc bạch: “Đối với ngư dân chúng tôi, cờ Tổ quốc là sự trân quý vô cùng. Giữa mênh mông sóng gió, tàu thuyền cắm cờ đỏ sao vàng tung bay, biết đó là đồng bào mình đang sản xuất trên vùng biển của mình, gần gũi và thân thương lắm. Đặc biệt, khi gặp tai nạn hư hỏng thuyền, gặp giông lốc, sóng to gió lớn, chỉ cần thấy lá cờ Tổ quốc trước mũi tàu đang tiến đến, biết mình đang được hải quân, lực lượng quân đội…, tìm kiếm, ứng cứu, mừng vui trào nước mắt”- ngư dân Trần Văn Cường xúc động.
Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, phó trưởng đoàn công tác nói rằng: Trước lá cờ, người chiến sĩ bao giờ cũng dành một tình cảm đặt biệt. Bởi đó là quốc kỳ vừa là quân kỳ (lá cờ Tổ quốc đề 2 chữ “quyết thắng”) - 2 biểu tượng tinh thần lớn nhất, biểu tượng của dân tộc và quân đội.
Riêng ở Trường Sa, lá cờ thể hiện chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Biết bao máu của các thế hệ ông cha đã đổ xuống để tô thắm lá cờ, nên những người lính nói chung, người lính hải quân luôn tâm niệm và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng khối đoàn kết, để vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để Tổ quốc từ biển, là pháo đài niềm tin trong lòng người dân Việt.
Những năm qua, Hải quân Vùng 4 nói riêng, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tặng hàng chục ngàn lá cờ Tổ quốc, để ngư dân mang theo niềm tin trên biển đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam trong quá trình bám biển sản xuất phát triển kinh tế, đồng thời làm cột mốc sống giữa trùng khơi.
Tôi nhớ, nhà báo Phan Thị Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam, tỉnh Nghệ An), đã trân trọng biết nhường nào khi đón nhận lá cờ Tổ quốc từ tay Trung tá Trần Quang Phú- lá cờ đã cũ, nhuộm gió, sóng và tinh thần của CBCS, Nhân dân đảo Trường Sa. “Tôi mang theo về lá cờ Tổ quốc đã tung bay tại Trường Sa, tặng lại UBND huyện, nơi tôi sinh sống, để chính quyền địa phương đặt tại phòng truyền thống, từ đó lan tỏa cảm xúc thiêng liêng nơi đầu sóng, để người dân tự hào, có trách nhiệm và yêu thêm biển đảo Tổ quốc”- nhà báo Phan Thị Trang Đoan xúc động bày tỏ.
Đến đảo Đá Đông A, một hòn đảo nhỏ, xúc động thật nhiều trước những chiến sĩ trẻ, trong đêm khuya bốn bề ầm ào sóng gió, vẫn cầm chắc tay súng, nghiêm trang đứng gác bên chân sóng.
Cũng những người lính ấy, trước ca trực gác, đã cùng đồng đội giao lưu với PV trong chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng xuân, bằng ca khúc hát từ trái tim mình: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…” (Tổ quốc nhìn từ biển- thơ Nguyễn Việt Chiến- phổ nhạc Quỳnh Hợp).
Bên chân sóng đảo Đá Đông A, phóng viên còn rất trẻ Phan Thị Thu Hương (Trung tâm VTC miền Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) đã nói: “Đến Trường Sa, thấy mình thêm yêu Tổ quốc”.
Suy nghĩ trong lòng Hương đồng điệu với xúc cảm trong tôi và rất nhiều đồng nghiệp trong chuyến công tác, bởi chúng tôi đã cùng nhau trải qua khắc nghiệt của sóng gió và cách trở, để thấu những hi sinh, kiên trung thầm lặng, lớn lao, của biết bao thế hệ người lính, để bảo vệ vững chắc chủ quyền. Để tình yêu Tổ quốc trong mỗi người đang lớn thêm mỗi ngày.