Thiết bị điện tử nào dễ bị hỏng hóc do nồm ẩm, bảo vệ thế nào?
Thời tiết nồm khiến hơi ẩm trong không khí có thể dễ dàng xâm nhập vào các vi mạch điện tử, gây ảnh hưởng đến hoạt động của một số loại thiết bị gia dụng.
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn nồm ẩm nhất trong năm, với độ ẩm không khí thường xuyên duy trì ở mức 85-90%. Thời tiết nồm ẩm không chỉ gây khó chịu cho sức khỏe và các hoạt động thường ngày, mà còn là “thủ phạm” gây hỏng hóc, chập điện, cháy nổ, hay giảm tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà như TV, laptop, loa, amply, máy ảnh,… vốn rất nhạy cảm với hơi ẩm. Nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các thiết bị này có thể bị hỏng hóc, ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng hoạt động.
Các loại thiết bị điện dễ hỏng khi trời nồm ẩm, mưa phùn
TV
Một trong những thiết bị chịu tác động nhiều nhất từ thời tiết nồm ẩm là TV bởi diện tích tiếp xúc với không khí của TV thường lớn hơn các thiết bị khác.
Hơn nữa, TV thường được kê trên sát tường, trong hộc tủ, hoặc đặt trực tiếp lên sàn nhà, gây ra tình trạng tích tụ hơi ẩm, thậm chí tiếp xúc với các giọt nước hình thành nên từ hơi ẩm, đọng lại trên tường, trên thành tủ.
Vì vậy, người dùng dễ gặp tình trạng TV suy giảm chất lượng hình ảnh, màn hình bị nhòe, nhiễu, hoặc bật lâu mà không lên nguồn. Điều này xuất phát từ hiện tượng hơi ẩm xâm nhập vào các vi mạch bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Điều khiển
Nhiều gia đình có thói quen treo điều khiển TV, điều hòa, quạt điện trên tường hoặc để bừa bãi trên sàn nhà, nơi dễ hấp thụ độ ẩm cao. Điều này khiến các thiết bị điều khiển dễ bị ảnh hưởng bởi hơi ẩm, giọt nước đọng. Hơi ẩm làm cho nút bấm kém nhạy, thậm chí gây chập cháy các linh kiện điện tử bên trong.
Loa, âm ly
Các thiết bị âm thanh như loa, âm ly cũng là những thiết bị điện dễ hỏng khi trời nồm ẩm do hơi nước đọng lại trên vi mạch và màng loa, gây nhiễu tiếng, làm giảm chất lượng âm thanh cũng như độ bền của thiết bị. Các chi tiết bằng kim loại cũng dễ bị gỉ sét ăn mòn, còn loa với chất liệu gỗ cũng gây ảnh hưởng tới chất âm.
Máy lạnh, máy giặt
Máy lạnh và máy giặt cũng là những thiết bị điện dễ hỏng khi trời nồm ẩm. Máy lạnh thường được gắn sát vào tường, khi độ ẩm không khí cao sẽ dẫn đến tình trạng dễ thấm ẩm, khiến máy giảm sút công năng hoặc hư hại.
Với máy giặt, đây là loại thiết bị điện tiếp xúc vào nước nhiều nhất. Khi thời tiết nồm ẩm, máy giặt dễ bị thấm ẩm, gây rỉ sét một số linh kiện bên trong khiến chức năng của máy suy giảm, thậm chí gây chập, gây rò rỉ điện khá nguy hiểm cho người sử dụng. Do đó, nên tránh đặt máy giặt ở nơi ẩm ướt như trong phòng tắm, hay nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp vào, có thể sử dụng giá đỡ máy giặt để hạn chế tình trạng nước tiếp xúc trực tiếp với máy, dễ gây hư hỏng.
Laptop, máy vi tính
Máy vi tính và laptop thường được đặt trên mặt bàn hoặc sát tường, những nơi dễ tích tụ hơi ẩm, gây ảnh hưởng đến vi mạch bên trong. Tuy nhiên, máy vi tính cũng có cơ chế tự ngắt nguồn khi gặp sự cố trên bảng mạch, giúp người dùng tránh gặp phải sự cố dẫn đến cháy/chập linh kiện. Khi độ ẩm tăng cao, người dùng có thể gặp phải tình trạng bấm nút nguồn không lên, máy xử lý chậm hoặc phản hồi kém.

Ảnh minh họa/Nguồn: Getty
Điện thoại
Mặc dù ít chịu ảnh hưởng hơn so với các thiết bị điện tử khác nhưng điện thoại vẫn là thiết bị cần được lưu ý trong những ngày nồm ẩm. Lý do là bởi đây là những thiết bị có nguy cơ chập điện cao khi kết nối vào ổ điện. Bên cạnh đó, hiện nay có không ít người dùng sử dụng các sản phẩm sạc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập, cháy trong điều kiện thời tiết nồm ẩm.
Cách bảo vệ thiết bị điện tử trong mùa nồm ẩm
Kiểm soát mức nhiệt độ trong nhà phù hợp
Việc kiểm soát mức nhiệt và độ ẩm trong nhà không chỉ giúp bảo quản các thiết bị điện tử mà còn khiến căn nhà khô ráo hơn.
Để giảm thiểu tình trạng nồm ẩm, các gia đình có thể cân nhắc 2 phương án. Đó là sử dụng vật liệu hút ẩm tự nhiên, hoặc trang bị các thiết bị chuyên dụng.
Đối với vật liệu tự nhiên, có thể dùng vôi sống, than hoạt tính có thể đặt trong thùng gỗ hoặc giấy dưới gầm giường, góc phòng để giúp hút ẩm hiệu quả, đặc biệt với phòng nhỏ.
Tuy nhiên, đối với các gia đình có con nhỏ, người bị bệnh hô hấp hoặc sở hữu nhiều thiết bị điện tử đắt tiền, các gia đình có thể cân nhắc đầu tư máy hút ẩm hoặc bật điều hòa ở chế độ khô (Dry) để điều chỉnh độ ẩm trong nhà. Để bảo quản đồ điện tử tốt, nhiệt độ trong phòng cần duy trì không quá 35 độ C và độ ẩm không vượt quá 50-60%.
Đặt thiết bị ở nơi khô ráo
Khi độ ẩm quá cao, sàn nhà (đặc biệt với sàn gạch) hoặc tường sẽ xuất hiện tình trạng đọng nước kéo dài. Vì vậy cần tránh đặt thiết bị sát tường hoặc dưới sàn nhà. Những khu vực này có độ ẩm cao, dễ khiến hơi nước xâm nhập vào linh kiện bên trong. Thay vào đó, nên đặt thiết bị ở nơi cao ráo, thoáng khí.
Tuy nhiên, nếu không tìm được một nơi thật sự khô ráo trong nhà nên mọi người có thể giữ các thiết bị với khoảng cách từ 10-15cm (so với tường) và khoảng 80cm (so với sàn nhà) để giảm nguy cơ hỏng hóc.
Ngoài ra, việc giữ khoảng cách giữa các thiết bị điện cũng quan trọng. Điều này giúp không khí lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tích tụ độ ẩm gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị điện tử.
Thường xuyên lau chùi, vệ sinh
Nếu thấy xuất hiện hơi nước trên TV, máy tính hay các thiết bị khác, người dùng có thể dùng khăn mềm để lau nhẹ, tránh nước ngấm sâu vào bên trong. Nếu có thể, hãy tháo các linh kiện để vệ sinh kĩ lưỡng. Sử dụng máy sấy ở chế độ nhẹ hong khô cũng là phương pháp không thể bỏ qua.
Ngoài ra, các phụ kiện đi kèm như dây cáp, ổ cắm, cục sạc... cũng cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng trong mùa nồm.

Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels
Sử dụng thiết bị thường xuyên
Người dùng nên bật các thiết bị như tivi, máy tính, lò vi sóng… ít nhất 1 lần/ngày để chúng sinh nhiệt, không bị ẩm, đồng thời giảm các tác động xấu từ môi trường dẫn đến oxi hóa, ố vàng linh kiện hoặc toàn bộ thiết bị.
Dùng tủ chống ẩm
Đối với các thiết bị điện tử gọn nhẹ như máy tính cầm tay, máy ảnh, lens (ống kính), bạn có thể đầu tư, sử dụng tủ/hộp chống ẩm, hộp chống ẩm hoặc cho thiết bị vào thùng kín có cục hút ẩm để giảm thiểu nguy cơ hư hỏng.