Thiết bị hỗ trợ lấy ven và theo dõi nhịp tim

Hiện nay nhiều bệnh nhân ốm đau lâu ngày hoặc người già, ven lặn, nhỏ rất khó phát hiện ra ven để tiêm và xét nghiệm. Từ những thực tế như vậy các em Trần Đức Thành, Trương Quang Tùng, trường THPT Sơn Dương đã có ý tưởng, nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm 'Thiết bị hỗ trợ lấy ven và theo dõi nhịp tim' đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp THPT năm 2020-2021.

Thiết bị đã được ứng dụng tại các cơ sở y tế
trong huyện.

Với thiết bị hỗ trợ lấy ven và theo dõi nhịp tim này sẽ giúp bác sỹ tiêm vào tĩnh mạch một cách chuẩn nhất, hạn chế tối đa những mũi kim đâm lệch khỏi ven tránh gây đau đớn về cơ thể và tinh thần của bệnh nhân.

Thiết bị gồm 25 bóng điod cận hồng ngoại và hồng ngoại. Mỗi bóng là 2V lắp trên mạch song song. Sử dụng trên nguồn điện là pin lathium 2600 mAh nguồn ra là 3.7V. Linh kiện kèm theo là mạch đèn Led; Mạch nguồn sạc; Công tắc nguồn; Cảm biến nhiệt tim trong máu; Arduino hỗ trợ việc in kết quả đo nhịp tim trên phút của bệnh nhân ra màn hình có độ bền cao.

Khi sử dụng thiết bị này ta chỉ cần đặt sản phẩm lên khuỷu tay và bật công tắc nguồn, các bóng đèn điod sẽ phát sáng. Ánh sáng sẽ thẩm thấu qua da giúp cho việc phát hiện ra mạch ven thuận tiện cho quá trình lấy ven. Không cần garo vẫn lấy máu được, đối với những bệnh nhân có thành mạch mỏng, yếu, dễ vỡ thì việc không thắt dây garo là một lợi thế của sản phẩm này. Đối với thiết bị theo dõi nhịp tim, ta đặt ngón tay che phủ toàn bộ cảm biến giữ nguyên trong 1-2 phút và theo dõi chỉ số nhịp tim trên phút được hiển thị thông qua màn hình LCD.

Đây là giải pháp tìm kiếm tĩnh mạch bằng cách sử dụng kỹ thuật truyền qua cơ thể tia cận hồng ngoại và tia hồng ngoại an toàn cho da. Hỗ trợ tìm kiếm ven một cách nhanh nhất và chính xác nhất, nhanh chóng tiện lợi và dễ sử dụng. Bên cạnh đó tích hợp thêm cảm biến nhịp tim giúp các bác sỹ lường trước được tình trạng sốc của các bệnh nhân nhỏ tuổi trong quá trình lấy ven.

Điểm nổi bật của thiết bị này là giá thành rẻ, chỉ bằng 1/7 các thiết bị trong nước hiện đang có, tận dụng từ những đồ vật sẵn có trong gia đình. Thiết kế nhỏ gọn, cơ động linh hoạt, áp dụng cho nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ đến người già, phù hợp với mọi vị trí trên cơ thể như khuỷu tay, cánh tay... mà không vướng víu.

Bài, ảnh: Lan Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/cong-nghe/thiet-bi-ho-tro-lay-ven-va-theo-doi-nhip-tim-143789.html