Thiết bị mài, đánh bóng dây trên máy mài, máy tiện

Làm nhiệm vụ sửa chữa vừa và lớn xe ô tô các loại cho lực lượng vũ trang Quân khu 4 và các đơn vị bạn đóng quân trên địa bàn, Xưởng 467 (Cục Kỹ thuật Quân khu 4) được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Tuy nhiên, trong công tác sửa chữa xe ô tô, khâu mài, đánh bóng là một trong những việc quan trọng, ảnh hưởng đến độ chính xác và khả năng làm việc của các chi tiết.

Thợ sửa chữa thường gá chắc chắn chi tiết lên máy tiện; sử dụng thiết bị mài, đánh bóng cầm tay hoặc cầm giấy nhám đánh trực tiếp lên chi tiết đang quay trên máy tiện, do đó độ chính xác và độ bóng không cao, lại mất nhiều thời gian để hoàn thành việc mài, đánh bóng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, đối với một số chi tiết ngoại cỡ (các chi tiết lớn như lô máy in, lô cuốn...) khó gắn trên máy mài chuyên dụng...

 Sáng kiến “Thiết bị mài, đánh bóng dây trên máy mài, máy tiện” được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Sáng kiến “Thiết bị mài, đánh bóng dây trên máy mài, máy tiện” được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Trăn trở với thực trạng trên, Thiếu tá Phạm Vũ Hưng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Xưởng 467 đã quyết tâm nghiên cứu, tìm cách khắc phục những bất cập. Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, chế thử, anh đã tạo ra sáng kiến “Thiết bị mài, đánh bóng dây trên máy mài, máy tiện”.

Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, thiết bị này sử dụng động cơ điện loại 220V, 140W, tốc độ quay khoảng 1.500 vòng/phút, được cố định chắc chắn trên giá bằng mối ghép bu-lông. Đế kẹp được làm bằng thép tấm và gia công tỉ mỉ theo kích thước rãnh trượt trên máy tiện; có cơ cấu tháo lắp mở khóa nhanh, bảo đảm thuận tiện trong quá trình gá đặt trên máy tiện. Giá được làm bằng thép tấm dày 4mm; thành khung giá được tăng cứng chắc chắn bằng thép hộp; trên giá có gắn động cơ dẫn động, các puly và tăng đai nhám. Nhám dây đều có bán sẵn trên thị trường, có thể dễ dàng chọn tùy theo yêu cầu độ bóng của chi tiết cần gia công.

Sau khi gá đặt chi tiết cần mài, đánh bóng lên máy tiện, Thiếu tá Phạm Vũ Hưng chọn nhám dây và liên kết vào thiết bị, di chuyển đến vị trí cần gia công. Anh nới đai ốc để chỉnh đế kẹp vào băng trượt của máy tiện, sau đó khóa chặt; điều chỉnh dây nhám vuông góc với bề mặt tiếp xúc chi tiết. Động cơ điện dẫn động băng tải nhám để mài, đánh bóng chi tiết. Anh thao tác mài và đánh bóng chi tiết rất nhẹ nhàng. Quá trình thay đổi độ nhám cực kỳ thuận lợi, vừa bảo đảm năng suất lại rất an toàn, không có hiện tượng bể đá gây mất an toàn.

Với kết cấu đơn giản, tiện cơ động, giá thành thấp, sáng kiến này đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều đơn vị thuộc Quân khu 4, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu các chi tiết đòi hỏi độ bóng cao, nhất là trong phục hồi chi tiết lớn. Sáng kiến “Thiết bị mài, đánh bóng dây trên máy mài, máy tiện” của Thiếu tá Phạm Vũ Hưng đã đoạt giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 21.

Bài và ảnh: HOÀNG THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thiet-bi-mai-danh-bong-day-tren-may-mai-may-tien-747116