Thiết bị này có kiểu dáng tròn, nhỏ gọn và hỗ trợ chống bụi, nước theo tiêu chuẩn IP67. AirTag cũng được trang bị loa để có thể phát tiếng kêu, pin tháo rời được. Thiết bị này kết nối với iPhone giống như AirPods, chỉ cần đưa đến gần là điện thoại có thể nhận biết.
Apple đưa ra nhiều hình thức tùy biến cho AirTag như khắc laser miễn phí, chọn màu sắc vỏ bọc cho thiết bị. Vỏ bọc AirTag có nhiều màu sắc, tất cả đều giống như cái móc khóa để có thể gắn vào các đồ vật của người dùng.
Giống như Apple Watch, phụ kiện cho AirTag cũng rất đa dạng về chất liệu. Trên ảnh là một mẫu bọc da.
Ngoài ra, hãng cũng có những lựa chọn vỏ bọc bằng cao su. Apple thậm chí còn phối hợp với hãng thời trang Hermès để đưa ra những phụ kiện đắt tiền cho món đồ này.
Tại sự kiện giới thiệu Samsung Galaxy S21, Samsung cũng ra mắt phụ kiện tìm đồ SmartTag. Ngoài chức năng đó, SmartTag còn có thể điều khiển nhanh một số tính năng của điện thoại hoặc nhà thông minh đang kết nối. Thiết bị của Samsung cũng có giá 29,99 USD.
Sau khi kết nối với điện thoại, AirTag sẽ trở thành thiết bị hiển thị và có thể định vị qua ứng dụng Find My. Phụ kiện này được trang bị chip U1 sử dụng công nghệ Ultra WideBand, cho phép người dùng nhìn thấy hướng, khoảng cách tương đối chính xác tới phụ kiện trong tầm kết nối Bluetooth.
Nếu nằm ngoài vùng Bluetooth, người dùng vẫn có thể tìm AirTag qua ứng dụng Find My của Apple. Ngoài ra, Apple cũng đưa ra tùy chọn hiện thông tin khẩn cấp nếu người dùng đánh mất AirTag.
Theo Zing.vn