Thiệt hại ban đầu do mưa lớn, Phú Yên tiếp tục ứng phó

Mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ tối 12/11 đến chiều tối 13/11 đã gây ngập cục bộ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Nước ngập trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã an Mỹ, huyện Tuy An (Km1315), lực lượng chức năng điều tiết giao thông bảo đảm an toàn các phương tiện.

Nước ngập trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã an Mỹ, huyện Tuy An (Km1315), lực lượng chức năng điều tiết giao thông bảo đảm an toàn các phương tiện.

Đã có thiệt hại ban đầu, mưa lớn gây sạt lở đất, ngã đổ tường nhà tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, làm bị thương 2 người là bà Đào Thị Tuyết và con là Lê Đào Long Nhật. Hai người bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện Quy Nhơn, Bình Định. Nhiều tuyến giao thông tại các địa phương phía bắc tỉnh bị ngập sâu, gây sạt lở, làm gián đoạn giao thông nhiều khu vực.

Đến chiều tối 13/11, trên địa bàn tiếp tục mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên đang phối hợp các địa phương, các đơn vị chủ động khắc phục, tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ đang diễn ra.

Tại huyện Đồng Xuân, tuyến đường ĐT 642 từ thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đi Sông Cầu bị ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông tại cầu sông Cô và cầu cây Sung, xã Xuân Sơn Bắc. Tuyến ĐT 650 đoạn cầu Cây Cam bị ngập sâu, một xe ô-tô 4 chỗ bị ngập và trôi khi qua đoạn đường này, rất may lực lượng tại chỗ đã cứu hộ kịp thời.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên, mưa lớn gây ngập, sạt, tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Lực lượng quản lý đường bộ dọn đất đá sạt lở kịp thông xe trên tuyến ĐT 643.

Lực lượng quản lý đường bộ dọn đất đá sạt lở kịp thông xe trên tuyến ĐT 643.

Cụ thể quốc lộ 1, 1D và đường Trường Sơn Đông do Khu Quản lý đường bộ III quản lý, bảo trì mưa lũ đã làm nước ngập mặt đường, gây ùn tắc giao thông tại một số vị trí: Đoạn Km1315+300-Km1315+800, tuyến quốc lộ 1 thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An nước ngập mặt đường sâu nhất 40-45cm (gây tắc đường từ 13 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút). Hiện tại, nước đang rút dần, đơn vị quản lý đường đã tổ chức phân luồng giao thông bên trái 2 chiều.

Các đoạn: Km1292+800-Km1293+400, quốc lộ 1 thuộc phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu: ngập 2/3 mặt đường, sâu trung bình 30cm; Km1307+500-Km1307+800 thuộc thuộc xã An Cư, huyện Tuy An: ngập 1/2 mặt đường, sâu trung bình 20cm; đã đặt biển cảnh báo giao thông, lưu thông chậm 1/2 làn đường; Khu Quản lý đường bộ III đã chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi và thực hiện rào chắn, cắm biển và phân luồng điều tiết giao thông, hiện các xe lưu thông bình thường, đi chậm. Đất đá tràn ra đường, lấp rãnh dọc đoạn Km1292-Km1993, quốc lộ 1 thuộc phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, hiện đang được đơn vị bảo trì hốt dọn…

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên kịp thời ban hành thông báo yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố đã có văn bản, thông báo chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến mưa, lũ, ngập lụt... trên các phương tiện thông tin; tuyên truyền vận động người dân chủ động di dời sơ tán khi có yêu cầu tại các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, sạt lở đất..., đến nơi an toàn. Phân công lực lượng trực, canh gác, cắm biển báo tại các khu vực xung yếu: sạt lở đất, nước chảy xiết… để nhân dân biết phòng tránh.

ĐT 642 từ Đồng Xuân đi Sông Cầu bị ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông.

ĐT 642 từ Đồng Xuân đi Sông Cầu bị ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về diễn biến mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn về người và tài sản; hướng dẫn, vận động nhân dân thu hoạch sớm sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã đến giai đoạn thu hoạch; lên phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản; sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn công trình và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển...

Đồng thời, các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, liên tục theo dõi chặt chẽ các bản tin về mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó…

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thiet-hai-ban-dau-do-mua-lon-phu-yen-tiep-tuc-ung-pho-post724695.html