Thiệt hại nặng nề sau mưa lũ, sạt lở đất ở Hà Giang

Theo ước tính của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTTvà TKCN), trận mưa lũ tại Hà Giang đã gây thiệt hại trên 80 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại về thủy điện).

Sạt lở tại phường Quang Trung, TP. Hà Giang - Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Sạt lở tại phường Quang Trung, TP. Hà Giang - Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Theo thống kê tính đến ngày 22/7, do ảnh hưởng của mưa lớn gây thiệt hại đến người và tài sản của nhân dân trên địa bàn các huyện, thành phố: huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang, huyện Bắc Quang, huyện Hoàng Su Phì và huyện Bắc Mê.

Cụ thể, trận mưa lũ đã khiến 7 người thương vong (5 người chết và 2 người bị thương).

Về nhà ở, có 1 nhà bị đất đá vùi lấp tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì; 1 nhà tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tại xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên; 64 nhà bị sạt đất đổ tường (50 nhà tại TP. Hà Giang, 14 nhà tại huyện Vị Xuyên); 2.800 nhà dân ngập úng, nước tràn vào nhà (2.770 nhà tại TP. Hà Giang, 30 nhà tại huyện Vị Xuyên). Huyện Bắc Mê bị ngập 6 thôn của xã Yên Định và 2 thôn xã Minh Ngọc, chưa xác định thiệt hại.

Thiệt hại về nông nghiệp: 446,02 ha diện tích lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng (Vị Xuyên, TP. Hà Giang, Bắc Quang); 9,77 ha cây lâm nghiệp; 7 ha cây chè; 57,02 ha ao cá bị thiệt hại...

Về giao thông, 33 tuyến đường bị ngập nước vị trí ngập sâu nhất lên đến 1,2 m thuộc TP. Hà Giang; 3.800 m3 đất đá sạt lở (3.000 m3 sạt ta luy dương khu vực BĐBP tỉnh, 800 m3 chợ xã Phiêng Luông và xã Yên Định huyện Bắc Mê).

Tại huyện Vị Xuyên, tuyến đường liên xã Quảng Ngần đi Thượng Sơn bị sạt lở hoàn toàn 30 m đường gây ách tắc giao thông; sạt lở ta luy dương tuyến đường xã Kim Thạch 6 điểm, khối lượng khoảng trên 300 m3 đất, đá; khối lượng sạt lở các tuyến đường liên thôn, xã khoảng trên 4.400 m3...

Ngoài ra, còn có 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc; 33 ô tô bị ngập và hư hỏng do sập nhà để xe; ngập 250 xe máy, xe đạp điện.

Ông Trần Quang Hoài (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đang trực tiếp thị sát tại Hà Giang - Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Ông Trần Quang Hoài (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đang trực tiếp thị sát tại Hà Giang - Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Về công tác khắc phục, lãnh đạo Ban chỉ huy tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp Thành phố Hà Giang tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ người dân đi lại khi cần thiết, thăm hỏi động viên và chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã kiểm tra tình hình thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên Sông Miện, Sông Lô. Lực lượng công an, quân sự, bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp hỗ trợ lực lượng trang thiết bị tham gia khắc phục ngay sau khi nước rút.

Đối với diện tích lúa, rau màu các loại bị ngập úng, chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã rà soát đánh giá cụ thể và hướng dẫn người dân khôi phục lại sản xuất, xác định mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục phù hợp.

Tuyên truyền và động viên cho người dân vùng bị thiệt hại, hạn chế việc di chuyển, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời nếu thiên tai tiếp tục xảy ra.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/thiet-hai-nang-ne-sau-mua-lu-sat-lo-dat-o-ha-giang/401492.vgp