Thiệt hại nặng nề từ cháy nhà cho thuê, nhà cao tầng

Chỉ thị của Thủ tướng dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong thời điểm cuối năm, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về PCCC. Từ ngày 16/9/2023 đến 15/9/2024, toàn quốc xảy ra 3.922 vụ cháy, làm chết 103 người, bị thương 78 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 296,1 tỷ đồng và 581,2ha rừng.

Ám ảnh các vụ cháy kinh hoàng trong năm 2024

Nhắc lại các vụ cháy thương tâm không phải để dư luận, người thân các nạn nhân nhớ lại nỗi ám ảnh kinh hoàng mà để người dân cùng nâng cao cảnh giác, cùng lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ, tránh những vụ việc thương tâm tiếp tục xảy ra.

Gần đây nhất, hậu quả nặng nề khiến người dân cả nước bàng hoàng là vụ cháy khoảng 23h03 ngày 18/12/2024 tại số 258 Phạm Văn Đồng (P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người tử vong, 7 người bị thương. Nguyên nhân chỉ vì mâu thuẫn cá nhân trong lúc uống bia, Cao Văn Hùng đã mua xăng phóng hỏa quán cà phê gây ra cảnh tượng kinh hoàng. Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ Hùng, ra Quyết định khởi tố vụ án "Giết người", khởi tố bị can đối với Hùng.

Rạng sáng 20/12, một vụ cháy lớn khác tiếp tục xảy ra tại căn nhà 4 tầng trên đường Xuân Hồng, P.12, Q.Tân Bình, TPHCM. Vụ việc khiến 16 người nhập viện, trong đó có 2 nạn nhân tử vong, 2 người xuất viện cùng ngày, 12 người tiếp tục được điều trị. Các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khí CO (carbon monoxide) và bỏng đường hô hấp. Trước đó, người dân TP.Nha Trang cũng xót xa khi hay tin 4 người tử vong do cháy vào sáng 28/1. Hiện trường là căn nhà bán đồ thờ cúng, dịch vụ mai táng trên đường Phương Sài, TP.Nha Trang. Thật đau xót khi 4 nạn nhân tử vong đều trong 1 gia đình, trong đó có 2 trẻ em.

Lực lượng cứu hộ các nạn nhân tại hiện trường

Lực lượng cứu hộ các nạn nhân tại hiện trường

Hay vào rạng sáng 24/5, người thân, láng giềng... của 14 người tử vong, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản nặng nề trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội cũng khóc cạn nước mắt vì mất mát quá lớn. Lúc này, dường như cả Q.Cầu Giấy, Hà Nội bao trùm trong tang thương. Sau vụ cháy, cơ quan chức năng xác định nơi cháy là nhà ở gia đình và cho thuê để ở, nằm trong ngõ nhỏ cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m. Nhà được xây dựng với diện tích khoảng 150m² trên tổng diện tích khu đất xây dựng là 205m. Diện tích còn lại khoảng 55m² là sân trống bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Nguyên nhân vụ cháy là do chập điện tại khu vực đầu xe máy điện, sau đó cháy lan ra các xe máy xung quanh.

Cũng tại Hà Nội, 1 vụ cháy khác xảy ra vào ngày 16/6 tại tầng 4, ngôi nhà 6 tầng ở Định Công Hạ khiến 4 người tử vong. Công an TP.Hà Nội đã nỗ lực điều 12 xe chữa cháy cùng hơn 100 chiến sĩ từ các lực lượng của thành phố, các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm tới hiện trường. Xe cứu hỏa xếp thành hàng dài khoảng 100m dọc phố Định Công Hạ... Tuy nhiên, khi ngọn lửa được dập tắt, tất cả dường như ngục ngã khi chứng kiến 3 trẻ em và một người lớn đã tử vong ở các vị trí khác nhau.

Tại Bắc Giang, rạng sáng 16/6, ngôi nhà ở đường Hoàng Hoa Thám (TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bỗng cháy lớn. Khi Cảnh sát PCCC&CNCH khống chế ngọn lửa thì phát hiện 3 người trong 1 gia đình đã tử vong. Khi thông tin được công bố, dư luận dễ dàng nhìn thấy điểm chung của các vụ cháy đều xảy ra vào đêm khuya và rạng sáng tại các căn nhà cao tầng, nhà cho thuê, cơ sở kinh doanh dịch vụ...

Cháy nhà ngăn phòng cho thuê tại quận Tân Bình khiến 2 người tử vong

Cháy nhà ngăn phòng cho thuê tại quận Tân Bình khiến 2 người tử vong

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vi phạm PCCC

Từ hậu quả các vụ cháy, để đưa một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 46/CT-TTg.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chưa được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc như việc kiểm soát các điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường chưa thực sự quyết liệt, chặt chẽ; còn nhiều cơ sở vi phạm quy định về PCCC.

Một số địa phương phân công chưa rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; chưa kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Chỉ thị nêu rõ việc kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ chưa quyết liệt, thiếu hiệu quả. Nhiều địa phương chưa ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong thời điểm cuối năm, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao, nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về PCCC.

Hiện trường vụ phóng hỏa khiến 11 người tử vong tại Hà Nội

Hiện trường vụ phóng hỏa khiến 11 người tử vong tại Hà Nội

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC.

Thủ tướng yêu cầu phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị. Rà soát nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương để tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC.

Đối với Bộ trưởng Bộ Công an, Khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC và CNCH vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành trước ngày 01/7/2025, bảo đảm đồng bộ, kịp thời khi Luật có hiệu lực. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người; tập trung kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các sơ hở, thiếu sót, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng phải phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra việc cấp phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất.

Ngoài ra, Chỉ thị của Thủ tướng còn giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các quy định liên quan về PCCC và CNCH.

Phải kiểm tra định kỳ 6 tháng

Thông tư 06/2022 (sửa đổi năm 2023) của Bộ Xây dựng đề ra nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất chặt chẽ về an toàn cháy cho nhà và công trình. Về lối thoát nạn, các tầng nhà của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke phải có không ít hơn 2 lối thoát nạn. Từ mỗi tầng được phép có một lối ra thoát nạn khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện PCCC như diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 300m2 (đối với nhà có chiều cao không quá 15m). Hoặc diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 200m2 (đối với nhà có chiều cao phòng cháy, chữa cháy từ trên 15m đến 21m).

Toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động, phải có thêm ít nhất một lối ra khẩn cấp từ các tầng nhà dẫn ra ban công thoáng, hoặc dẫn lên vùng an toàn trên sân thượng thoáng, hoặc dẫn ra cầu thang bộ theo quy định.

Nghị định 136/2020 của Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cao từ 3 tầng trở lên, nhà trọ cao từ 3 tầng trở lên phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC là phải có hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt đạt chuẩn kỹ thuật về PCCC; có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện cứu người... Người đứng đầu cơ sở phải kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên, định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra đến cơ quan quản lý trực tiếp.

DUY SANG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/toan-dan-phong-chay-chua-chay/thiet-hai-nang-ne-tu-chay-nha-cho-thue-nha-cao-tang_171961.html