Thiệt hại nặng nề về kinh tế, Nga 'cầu viện' vùng Vịnh

Báo Arab News của Saudi Arabia mới đây đăng bài viết nhận định, trong bối cảnh Nga đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moscow kỳ vọng các nước vùng Vịnh có thể sẽ giúp bù đắp những thiệt hại kinh tế.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã và đang tạo thêm sức ép buộc Nga phải củng cố mối quan hệ với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) thông qua việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, trong bối cảnh Moscow ngày càng trở nên cô lập hơn với phương Tây.

Nga đang trông chờ vào sự hỗ trợ của các đồng minh và các nước trung lập khác trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thái tử Saudi Arabia Muhammad bin Salman gặp Tổng thống Nga Putin tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 14/10/2019. (Nguồn: AFP)

Thái tử Saudi Arabia Muhammad bin Salman gặp Tổng thống Nga Putin tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 14/10/2019. (Nguồn: AFP)

Không lớn về quy mô nhưng cần thiết

GCC đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch của Nga khi Moscow muốn bù đắp những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra.

Mặc dù giá trị thương mại của Nga với GCC có thể không lớn về quy mô, nhưng nó rất cần thiết đối với Nga, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Arab News, bà Anna Borshchevskaya, chuyên viên cấp cao tại Viện Washington, cho biết trao đổi thương mại của Nga với GCC đạt 3 tỷ USD trong năm 2016 và 5 tỷ USD năm 2021.

Theo bà Borshchevskaya, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có mối quan hệ gần gũi nhất với Nga trong GCC. UAE và Nga đã đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 6/2018.

Ông Maxim Suchkov, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế thuộc trường MGIMO-University ở Moscow, dẫn các số liệu cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga và UAE trong tháng 1-9/2021 đạt 3,769 tỷ USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nga và Saudi Arabia năm 2019 đạt 1,667 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2018.

Các chuyên gia địa chính trị cho rằng, mối quan hệ kinh tế của Nga với GCC nên được nhìn nhận từ lăng kính của sự cạnh tranh đang diễn ra với phương Tây, cụ thể là Mỹ.

Bà Borshchevskaya giải thích, theo quan điểm của Điện Kremlin, khía cạnh quan trọng của các mối quan hệ thương mại là giao thương, nhưng khía cạnh đó cũng có yếu tố chính trị.

"Các hoạt động tái thiết của Syria rất cần các nguồn tài trợ và Kremlin lâu nay hiểu rõ rằng phương Tây sẽ không chi tiền cho việc này. Vì vậy, Nga đã tìm đến vùng Vịnh với tư cách là nhà tài trợ chính", bà Borshchevskaya nói thêm.

Theo ông Suchkov, Nga coi GCC là một nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh. Nga hiểu rằng, có rất nhiều điều để học hỏi từ các nước GCC, như kinh nghiệm kinh doanh, phát triển công nghệ và giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng.

Nhà đầu tư quan trọng của Moscow

Các nước GCC cũng có vai trò chính trị then chốt đối với sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông, do vậy Nga đánh giá rất cao mối quan hệ đối tác với các nước trong khu vực này.

Ông Suchkov đánh giá rằng, mối quan hệ giữa Nga và hầu hết các quốc gia GCC cũng chứng kiến không ít "thăng trầm" xung quanh cuộc xung đột ở Syria cũng như các quy định về sản xuất và buôn bán dầu mỏ.

Tháng 3/2020, quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga đã trở nên tồi tệ do những bất đồng về mức sản lượng dầu thô. Mâu thuẫn giữa hai bên sau đó đã được giải quyết vào tháng 4/2020.

Ông Suchkov nói thêm: "Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận thấy một số động lực tích cực trong mối quan hệ Nga-GCC. Khối này đã phát triển thành một khu vực quan trọng đối với các lợi ích kinh tế của Nga. Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa hai bên là kinh tế, công nghệ, đổi mới và tài chính".

Theo một báo cáo nghiên cứu công bố năm ngoái của hãng nghiên cứu SETA, quan hệ của Nga với GCC thường được coi là một phần trong chính sách ngoại giao của Moscow, vì GCC nằm trong chiến lược lớn hơn của Nga ở Trung Đông.

Thỏa thuận sản lượng dầu mỏ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa GCC và Nga.

Báo cáo nghiên cứu của SETA mô tả GCC là một nguồn đầu tư quan trọng đối nền kinh tế Nga, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này đang thực hiện.

Phần lớn các khoản đầu tư từ GCC được thực hiện thông qua Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF). Đây là một quỹ đầu tư quốc gia. RDIF hiện đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ, do đó nó không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.

RDIF không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa Nga và GCC, mà còn tạo ra các quỹ chung với các doanh nghiệp quốc doanh vùng Vịnh và các thực thể tài chính khác để thu hút đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Nga. Qatar là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga, với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD.

Theo báo cáo của SETA, các đối tác chính của RDIF trong GCC, gồm có, công ty đầu tư Mubadala Investment Co. của UAE, Cơ quan Quản lý đầu tư Qatar, tập đoàn logistics đa quốc gia DP World của UAE, Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia, Cơ quan Quản lý đầu tư Kuwait, tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia và công ty Mumtalakat Holding Co. của Bahrain.

GCC sẽ là thị trường chủ chốt cho các sản phẩm nông sản của Nga, bên cạnh Trung Quốc. (Nguồn: AP)

GCC sẽ là thị trường chủ chốt cho các sản phẩm nông sản của Nga, bên cạnh Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Thị trường lớn cho nông sản Nga

Theo ông Suchkov, việc Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh mới với phần còn lại của thế giới, trong đó xuất khẩu nông sản là một lĩnh vực đầy hứa hẹn của Nga. Khu vực vùng Vịnh, cùng với Trung Quốc, là những thị trường chủ chốt xét về tiềm năng gia tăng xuất khẩu nông sản.

Theo một quan chức của Bộ Nông nghiệp Nga, các nông sản xuất khẩu chủ lực của nước này bao gồm lúa mạch (chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021), lúa mì (chiếm 25%), dầu hướng dương (12%), thịt gia cầm (11%) và thịt bò (3%).

Các khách hàng mua nông sản lớn nhất của Nga là Saudi Arabia (chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường vùng Vịnh năm 2021) và UAE (12%). Saudi Arabia và UAE cũng là những khách hàng tiềm năng mua vũ khí của Nga, bất chấp mối quan hệ của hai quốc gia vùng Vịnh này với Mỹ.

Bà Borshchevskaya chỉ ra rằng, bất chấp sự bất đồng đã từng xảy ra với OPEC hồi năm 2020, cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Trung Đông cũng hướng tới việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trong khu vực này.

(theo Arab News)

Nguyễn Tường

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thiet-hai-nang-ne-ve-kinh-te-nga-cau-vien-vung-vinh-177927.html