Thiệt hại rừng tăng 83% sau 9 tháng, Bộ NN&PTNT lý giải nguyên nhân

Theo đại diện Cục Kiểm lâm, nguyên nhân gây cháy rừng là do biến đổi thời tiết gây ra bởi hiện tượng El Nino, điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng ở miền Trung.

Sáng 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2023. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao.

Đáng chú ý, diện tích rừng bị thiệt hại 9 tháng đầu năm 1.641,79 ha, tăng 83%, trong đó bị cháy 671,8 ha, gấp 27,4 lần và bị chặt, phá 922,21 ha, tăng 7%.

iện tích rừng bị thiệt hại 9 tháng đầu năm 1.641,79 ha, tăng 83%, trong đó bị cháy 671,8 ha, gấp 27,4 lần.

iện tích rừng bị thiệt hại 9 tháng đầu năm 1.641,79 ha, tăng 83%, trong đó bị cháy 671,8 ha, gấp 27,4 lần.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Từ đầu năm nay, điều kiện thời tiết chịu nhiều ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, tình hình nắng nóng ở vùng Bắc-Trung Bộ, đặc biệt ở miền Trung tháng 9 gió phơn Tây Nam khô, rất dễ gây ra cháy. Đây là một trong những nguyên nhân gây tăng thiệt hại về rừng, không phải do quá trình phá rừng”.

Theo ông Thiện, năm ngoái mưa thuận gió hòa, giảm được thiệt hại và cháy rừng rất lớn. Nên năm nay, dù thiệt hại có tăng không nhiều, nhưng mẫu số nếu so sánh với năm ngoái là rất lớn.

Ông Thiện giải thích thêm, diện tích cháy rừng hầu hết ở rừng trồng. Rừng trồng đa phần là cây thông, với sự phát triển hiện nay, người dân thường bếp ga, bếp điện thay vì sử dụng lá thông để đun nấu như trước. Điều này dẫn đến lớp thượng bì rừng dày, cộng thêm yếu tố thời tiết, chỉ cần một tàn thuốc vô tình quẹt phải có thể gây ra cháy rừng.

Thời gian qua, Cục Kiểm lâm cũng đã tích cực đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy rừng, nội quy dùng lửa trong rừng, ven rừng và tình hình cháy rừng hằng ngày. Đồng thời, kết hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, bảo đảm bố trí lực lượng thường trực canh phòng trực trong ngày theo cấp dự báo cháy rừng, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng.

Toàn cảnh họp báo.

Toàn cảnh họp báo.

Thông tin về một số điểm sáng nổi bật, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ NN&PTNT cho biết: “9 tháng đầu năm 2023, cả nước gieo cấy được 6,8 triệu ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Dù diện tích trồng lúa giảm nhưng năng suất bình quân ghi nhận tăng đáng kể đạt 62,6 tạ/ha. Do đó, sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4%”.

Với ngành chăn nuôi, ông Việt thông tin, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt, tổng đàn vật nuôi đều tăng.

Ngoài ra, ông Việt chia sẻ, thị trường xuất khẩu thủy sản quý III bắt đầu có sự khởi sắc, tạo động lực cho người nuôi thả nuôi mới; khai thác biển cơ bản giữ ổn định do thời tiết thuận lợi. Sản lượng tháng 9 đạt 857 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng 6,8 triệu tấn, tăng 2,1%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 68,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ NN&PTNT.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ NN&PTNT.

Nhắc lại mục tiêu của toàn ngành năm 2023, ông Việt cho rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay, toàn ngành hoàn toàn tự tin với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 53 - 54 tỷ USD.

Về nhiệm vụ trong 3 tháng còn lại, ông Việt cho biết: “Cần theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa và tăng cường công tác bảo vệ thực vật”.

Ngành chăn nuôi tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

Về thủy sản, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu trong tháng 10 tới đây.

Trước những kết quả đạt được của toàn ngành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: “Toàn ngành nông nghiệp ghi nhận tăng trưởng toàn diện, tương đối cao, phát huy vai trò, động lực và trụ đỡ của nền kinh tế".

Với tình hình hiện nay, đặc biệt với những điểm sáng trong sản xuất và xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Tiến cho rằng, an ninh lương thực hoàn toàn yên tâm. Việt Nam ngẩng cao đầu trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới nguồn cung lương thực bị đứt gãy.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thiet-hai-rung-tang-83-sau-9-thang-bo-nn-ptnt-ly-giai-nguyen-nhan-a628768.html