Thiệt hại sản xuất nông nghiệp trước tác động từ biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động đến nhiều hệ lụy vào đời sống và sản xuất của người dân; đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như khô hạn, mặn xâm nhập, thời tiết cực đoan (nắng nóng, mưa trái mùa, gió lốc…). Trong những ngày cuối tháng 5/2023, hàng trăm héc-ta lúa, màu của nông dân ở huyện Duyên Hải bị thiệt hại do ảnh hưởng của những đợt mưa sớm kéo dài, gây ngập úng...
Đồng chí Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2023, đã gây ngập úng cục bộ tại một số diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương, làm thiệt hại trên 360ha lúa, hoa màu của nông dân (trong này, có 277ha lúa hè - thu, chủ yếu ở giai đoạn mạ và 84,8ha màu) mức độ thiệt hại từ 50 - 100%.
Qua ghi nhận của chúng tôi tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất, với 221ha bị thiệt hại từ 50% đến 100%. Tập trung nhiều là diện tích trồng màu ở các ấp Thốt Lốt, Sóc Ruộng, Rọ Say… với trên 85ha, gồm đậu bắp, đậu xanh, ớt và màu các loại.
Nông dân Nguyễn Trung Thành, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: liên tiếp trong 06 - 07 ngày (từ ngày 27/5 đến ngày 02/6) khu vực ở đây chịu ảnh hưởng của nhiều cơn mưa lớn, làm ngập các diện tích ruộng lúa của nông dân mới xuống giống (hè - thu) được gieo sạ khoảng 01 tuần. Do lúa mới sạ nên bị thiệt hại 100%, gia đình có 0,6ha lúa và đến ngày 09/6 mới cho máy bơm rút hết nước để làm lại mặt ruộng và sạ lại; vừa rồi thiệt hại gần 02 triệu đồng (120kg lúa giống + chi phí làm lại đất, diệt ốc bươu vàng…).
Còn nông dân Thạch Rượng, ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc có 0,4ha trồng đậu bắp cho biết: năm nay, thời tiết thất thường, hàng năm phải đến tháng 7, tháng 8 mới có mưa lớn và kéo dài như vậy. Còn năm nay, mưa lớn và kéo dài trước gần 02 tháng, nên gia đình không chuẩn bị trước được mùa vụ (đã xuống giống được 25 ngày), nếu biết có mưa lớn đầu vụ như vậy, thì nông dân ở đây không xuống đậu bắp. Mưa đã làm thiệt hại 100% diện tích đậu bắp, với số tiền đã đầu tư trên 12 triệu đồng.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thành Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: về hợp tác xã có 08ha/17 hộ tham gia liên kết có bao tiêu sản phẩm để trồng đậu bắp đều bị thiệt hại từ 70 - 100%; trung bình, các hộ trồng đậu bắp thiệt hại khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong thời điểm ngập úng, đậu bắp đã được 25 ngày tuổi và chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là bắt đầu cho thu hoạch; coi như vụ này nông dân trắng tay và mùa vụ cũng đã trễ nên hợp tác xã cũng gặp khó trong việc cung ứng nguyên liệu cho đối tác. Phía hợp tác xã cũng kiến nghị, tỉnh và huyện nên có chính sách hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng mưa trái mùa vừa qua.
Đưa chúng tôi thăm rẫy ớt hơn 0,2ha, ông Thạch Khương, ấp Sóc Ruộng cho biết: số ớt của gia đình dự kiến sẽ kéo dài thời gian thu hoạch thêm khoảng 20 ngày nữa (thu hoạch cổ 3); với giá ớt hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg, gia đình sẽ thu thêm khoảng 20 triệu đồng. Nhưng toàn bộ diện tích ớt này hiện nay phải nhổ bỏ, do bị nước ngập hơn 10 ngày nay, dẫn đến chết cây, gây thiệt 100%. Khu vực này chuyên trồng màu và là vùng đất cát pha, trũng nhưng hệ thống kênh xường rất ít, do đó, khi có mưa lớn và việc thoát nước rất khó, mong muốn địa phương sớm triển khai kênh cấp III, khoảng 500 - 1.000m cho đào 01 kênh thoát, có như vậy, khi vào mùa sản xuất mới hạn chế được ngập úng khi có mưa lớn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ