Từ thời Liên Xô, các mẫu xe tăng chủ lực do Moscow thiết kế luôn hướng tới hai yếu tố quan trọng nhất, đó là kích thước nhỏ gọn và độ cơ động cao.
Độ cơ động cao luôn là điểm mạnh của xe tăng Liên Xô từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đối đầu với những xe tăng hạng nặng của Đức, khả năng cơ động cực cao của xe tăng Liên Xô luôn mang lại lợi thế cực lớn trên chiến trường.
Còn về kích thước nhỏ gọn, vào thời điểm những dòng xe tăng T-64 hay T-72 của Liên Xô ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, trọng lượng nhẹ và kích thước nhỏ cũng là một trong những yếu tố khiến xe tăng cơ động tốt hơn.
Ngoài ra, vào thời điểm cách đây hơn nửa thế kỷ, khi các loại vũ khí chống tăng chủ yếu là pháo, thì kích thước nhỏ hơn đồng nghĩa với việc xe tăng sẽ khó bị bắn trúng hơn ở khoảng cách lớn.
Triết lý thiết kế xe tăng này được Nga kế thừa cho tới thời điểm hiện tại, khi các dòng xe tăng chủ lực đời mới của Nga ở thế kỷ 21 vẫn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với xe tăng Mỹ.
Việc nhỏ và nhẹ hơn, cũng giúp xe tăng Nga có thể cơ động tốt trong nhiều điều kiện đường xá phức tạp, đặc biệt phù hợp với những quốc gia chưa phát triển.
Trong khi đó với trọng lượng tổng cộng tới trên 64 tấn, xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ sẽ yêu cầu hệ thống cầu đường hiện đại hơn, khi cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đặc tính "nhỏ để khó bị bắn trúng" hơn của xe tăng Nga, dường như đã không còn trong thời điểm hiện tại, khi mà vũ khí chống tăng chủ yếu là tên lửa, bao gồm cả các loại tên lửa dẫn đường chủ động.
Với những loại tên lửa dẫn đường chủ động, kích thước to nhỏ của xe tăng là điều không quan trọng. Đặc biệt như những loại tên lửa chống tăng Javelin - có độ chính xác đủ để đánh trúng một chiếc xe hơi cỡ nhỏ ở khoảng cách tối đa.
Vậy nên, dường như đã tới lúc Nga cần một thế hệ xe tăng đời mới, với triết lý thiết kế mới và đặc biệt là tăng kích thước xe để có thể trang bị thêm nhiều loại cảm biến, máy tính phức tạp cũng như tăng không gian hoạt động của kíp lái.
Xe tăng chủ lực Armata được xem là đại diện cho triết lý thiết kế xe tăng của Nga ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Bằng cách sử dụng các vật liệu thiết kế tiên tiến, xe tăng chủ lực Armata của Nga có kích thước lớn hơn xe tăng Abams của Mỹ, nhưng trọng lượng tối đa chỉ 55 tấn - nhẹ hơn 10 tấn so với xe tăng Abrams.
Điểm yếu lớn nhất của loại xe tăng chủ lực này, đó là nó có giá thành quá đắt so, vào khoảng hơn 4 triệu USD cho mỗi chiếc. Đây là mức giá khiến quân đội Nga không thể sản xuất hàng loạt và trang bị đại trà số lượng lớn loại xe tăng này.
Trần Trân (tổng hợp)