Thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị

Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và tổ chức HealthBridge đã ra mắt: 'Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị'. Hướng dẫn kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng các thành phố xanh, an toàn và đáng sống hơn.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt "Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị".

Quang cảnh buổi lễ ra mắt "Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị".

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và tổ chức HealthBridge đã ra mắt: “Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị”.

Hướng dẫn kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng các thành phố xanh, an toàn và đáng sống hơn.

“Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” lần đầu tiên được biên soạn và xuất bản bằng tiếng Việt dựa trên bài học kinh nghiệm từ các dự án an toàn đường bộ và thí điểm phát triển hạ tầng xe đạp tại các thành phố của Việt Nam gần đây cũng như các nghiên cứu điển hình trên thế giới. Hướng dẫn đưa ra các giải pháp thiết kế hạ tầng giúp người đi xe đạp an toàn và thuận tiện nhằm thúc đẩy xe đạp trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày, phù hợp với mọi lứa tuổi và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Sự kiện ra mắt hướng dẫn này là minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh dân số đô thị đang tăng nhanh, dự báo sẽ đạt 50% tổng dân số Việt Nam vào năm 2025.

Tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến áp lực quản lý và cung cấp các dịch vụ công đô thị, bao gồm những vấn đề liên quan giao thông đô thị và môi trường.

Hệ thống đường đô thị hiện tại thiết kế dành cho giao thông cơ giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương, trong đó có người đi xe đạp. Trong khi đó, các đường phố nhỏ lại không có đủ không gian và cơ sở vật chất cho người đi xe đạp và người đi bộ.

Hướng dẫn bao gồm các đề xuất trên phạm vi rộng, tập trung vào 5 lĩnh vực hành động chính, gồm thiết kế đường và làn đường dành cho xe đạp, thiết kế nút giao thông khi có cho xe đạp lưu thông qua nút, thiết kế nhằm giảm thiểu xung đột, tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường và biển báo giao thông, công trình phụ trợ.

Quang cảnh buổi lễ.

Quang cảnh buổi lễ.

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: “Chúng tôi khuyến khích người làm quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị, kỹ sư đường bộ và các đơn vị và cán bộ làm công tác quản lý đô thị, sử dụng hướng dẫn này như một tài liệu tham khảo khi xây dựng và triển khai dự án. Hướng dẫn này cung cấp các giải pháp kỹ thuật trên cả phương diện lý thuyết và thực tế cho các vấn đề hạ tầng xe đạp, phù hợp tiêu chuẩn hiện hành. Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính".

Cố vấn trưởng Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris, giai đoạn II” (VN-SIPA II) của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) Daniel Herrmann cũng khẳng định: “Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết quốc gia của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Sự kiện ra mắt hướng dẫn kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam về thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển giao thông đô thị bền vững.

Trước đây, xe đạp là phương tiện giao thông chính và phổ biến ở khắp các thành phố Việt Nam. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã khiến xe đạp ít được sử dụng hơn tại khu vực đô thị, từ đó giao thông xe đạp cũng nhận được ít sự quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách.

Giám đốc HealthBridge Việt Nam Nguyễn Thị An cho biết, với vai trò là một phương tiện giao thông bền vững, xe đạp không những giảm ô nhiễm và giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường mà còn mang đến niềm vui, cải thiện sức khỏe, nâng cao tính bình đẳng trong tham gia giao thông cho mọi người.

Phát triển cơ sở hạ tầng xe đạp nên được coi là một trong các nội dung cơ bản hướng đến việc phát triển thành phố trở nên đáng sống, an toàn và bền vững hơn. Xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp phối hợp các dự án giao thông công cộng khác sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông và tối đa hóa lợi ích từ các khoản đầu tư, bà Nguyễn Thị An cho hay.

Theo các chuyên gia quốc tế, giao thông đô thị cần phải đề cao vai trò của xe đạp bởi đây là một phương tiện giao thông chi phí thấp, đồng thời mang lại sức khỏe cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

“Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” đặt ra nền tảng để các thành phố, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở nên "đáng sống hơn" thông qua việc cải thiện độ an toàn và khả năng dễ tiếp cận của giao thông xe đạp.

Đây là một sáng kiến quan trọng, có thể truyền cảm hứng cho những thành phố khác tại châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung, về phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, phù hợp tất cả người dân trong tương lai.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thiet-ke-duong-danh-cho-xe-dap-trong-do-thi-post755175.html