Thiết kế tiên tiến của vũ khí chống tăng cơ động Panzerfaust 3

Panzerfaust 3 (Pzf 3) là loại vũ khí chống tăng cơ động do Công ty vũ khí Dynamit Nobel Defense (trụ sở tại Đức) sản xuất. Đây là loại vũ khí chống tăng vác vai được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu trên chiến trường, bao gồm các phương tiện như xe tăng chiến đấu hiện đại, xe chiến đấu bộ binh và xe chiến đấu bọc thép, các công trình như boong ke, công sự, tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác của quân đội.

Vũ khí Panzerfaust 3 được sử dụng trên thao trường. Ảnh: The Firearm

Vũ khí Panzerfaust 3 được sử dụng trên thao trường. Ảnh: The Firearm

Việc phát triển vũ khí chống tăng Pzf 3 bắt đầu từ năm 1978 để thay thế phiên bản trước đó là Panzerfaust 2 - phiên bản không có khả năng xuyên giáp xe tăng chiến đấu chủ lực. Pzf 3 được đưa vào phục vụ các lực lượng vũ trang của Đức (Bundeswehr) vào năm 1987, sau khi thiết kế được hoàn thành vào năm 1985. Hiện, Pzf 3 đang được sử dụng tại một số quốc gia bao gồm Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Peru, Italia, Triều Tiên, Iraq và Ukraine. Hợp đồng xuất khẩu vũ khí chống tăng Pzf 3 đầu tiên được Công ty Dynamit Nobel Defense ký với Nhật Bản vào năm 1989.

Vũ khí chống tăng Pzf 3 có chiều dài 1.200mm và trọng lượng 13kg. Vũ khí này có chức năng là một bệ phóng di động của các tên lửa chống tăng, chủ yếu được sử dụng để chống lại các phương tiện bọc thép. Pzf 3 bao gồm hai bộ phận cơ bản: Một đầu đạn cỡ nòng 110mm được nạp sẵn và một bộ phận ngắm và điều khiển hỏa lực có thể tái sử dụng. Đầu đạn được gắn vào bộ phận điều khiển và ngắm hỏa lực trước khi khai hỏa. Pzf 3 sử dụng nguyên lý của pháo Davis để tiêu diệt mục tiêu; theo đó, lực giật tạo ra trong quá trình phóng cho phép vũ khí sử dụng được trong không gian hẹp. Thiết kế của Pzf 3 giữ vận tốc đầu đạn là 165m/giây để giảm trọng lượng vũ khí cũng như giảm độ khói và âm thanh phát ra khi một đạn được phóng. Tên lửa đẩy sẽ kích hoạt ở khoảng cách an toàn với người điều khiển và tiếp tục tăng tốc đường đạn khi phóng ra. Bộ điều khiển hỏa lực của Pzf 3 có hệ thống kích hoạt cơ học an toàn bằng tay. Thiết bị ngắm bắn của vũ khí có lắp kính quang học.

Vũ khí Pzf 3 sử dụng đạn cỡ nòng 110mm, đầu đạn HEAT chống tăng. Một đầu dò có thể mở rộng trong đầu đạn cho phép tăng cường khả năng xuyên thủng mục tiêu bọc thép có lớp giáp dày 700mm và xuyên qua bê tông cốt thép dày đến 240mm. Chỉ cần một binh lính cũng có thể tự vận hành Pzf 3 và ngắm bắn mục tiêu đang di chuyển ở cự ly tối đa 300m và mục tiêu đứng yên ở cự ly tối đa 400m.

Đến nay, Công ty Dynamit Nobel Defense đã phát triển phiên bản Pzf 3-T, với đầu đạn song song có khả năng phá hủy và xuyên thủng lớp giáp thép dày khoảng 70cm. Một phiên bản khác là Pzf 3-IT còn được thiết kế đầu đạn song song chế độ kép cải tiến (HEAT và đầu đạn nổ cao (HESH)). Phiên bản Pzf 3-T được trang bị thêm hệ thống ngắm bắn bằng laser Simrad IS200 và kính ngắm ban đêm Simrad KN205F II với tầm bắn 600m cho các mục tiêu di động.

Đầu năm nay, Công ty Dynamit Nobel Defense đã nhận hợp đồng từ cơ quan mua sắm quốc phòng BAAINBw (Bộ Quốc phòng Đức) cung cấp 3.000 tên lửa rocket cho hệ thống vũ khí chống tăng phiên bản Pzf 3-IT của lực lượng vũ trang Đức. Công ty Dynamit Nobel Defense cũng đã nhận một hợp đồng cung cấp 3.500 hộp đạn DM72A1 cho phiên bản Pzf 3-IT của lực lượng vũ trang Đức vào tháng 7/2022.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thiet-ke-tien-tien-cua-vu-khi-chong-tang-co-dong-panzerfaust-3-post455645.html