Thiết lập môi trường kinh doanh khí minh bạch

Tình trạng vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh khí vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, tài sản người sử dụng.

Để xây dựng môi trường kinh doanh khí minh bạch, ổn định và phát triển hiệu quả trong tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia, cần tăng mức xử phạt những hành vi vi phạm, đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường khí.

Vi phạm kinh doanh khí diễn biến phức tạp

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 26.260 cơ sở kinh doanh khí, gồm: Nhà máy chế biến/xử lý khí, kho chứa khí, trạm chiết nạp khí, trạm phân phối khí, cảng xuất/nhập khí và các cửa hàng kinh doanh chai chứa khí hóa lỏng (LPG). Ngoài ra, có hàng triệu gia đình đang sử dụng sản phẩm có liên quan đến LPG phục vụ sinh hoạt.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương thu giữ 100 LPG chai loại 12kg hết hạn kiểm định đang lưu thông trên thị trường. Ảnh: TUẤN ANH

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương thu giữ 100 LPG chai loại 12kg hết hạn kiểm định đang lưu thông trên thị trường. Ảnh: TUẤN ANH

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, hoạt động kinh doanh khí hiện nay có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, tài sản và uy tín của doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra. Việc chiếm đoạt vỏ bình LPG, sang chiết trái pháp luật; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa của các DN có uy tín trong sang chiết LPG... vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng số đơn vị kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh khi không đủ điều kiện vẫn tồn tại. Theo Trung tá Nguyễn Công Thành, Phó trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an: Thực tế cho thấy, số vụ cháy, nổ trong lĩnh vực kinh doanh khí để lại thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Qua rà soát, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ sở không tiến hành thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trước khi đi vào hoạt động; không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cửa hàng kinh doanh chai LPG không bảo đảm các điều kiện an toàn; tình trạng sang chiết trái phép diễn ra phổ biến, thiết bị sang nạp thô sơ, không an toàn; sử dụng loại gas không đúng tỷ lệ để nạp vào chai LPG mi ni; trong khi đó, chai LPG mi ni chỉ được sử dụng một lần và không được phép sang nạp lại...

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tình trạng vi phạm nói trên còn diễn ra xuất phát từ những thiếu sót trong hệ thống pháp luật về kinh doanh khí khiến việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này có những khó khăn, phức tạp. Dẫn chứng cho nhận định này, bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Công ty TNHH TotalGaz Việt Nam cho hay, các hành vi vi phạm về kinh doanh khí sau khi bị phát hiện, mỗi cơ quan quản lý tại các địa phương lại căn cứ vào các quy định khác nhau để tiến hành xử phạt, như Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hay Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí... Việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau dẫn đến hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau. Để tăng cường các biện pháp xử lý cần có hướng dẫn thống nhất áp dụng xử phạt; cùng với đó, cần tăng mức xử phạt trong vi phạm về kinh doanh khí.

Đề xuất các giải pháp xây dựng thị trường kinh doanh khí minh bạch, ổn định, ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh khí và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. “Hiệp hội kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn, trao đổi với hiệp hội và DN để xử lý những khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó đưa ra các quy định phù hợp nhất với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Trần Minh Loan nhấn mạnh.

Thừa nhận quy định đối với hệ thống kinh doanh khí còn chưa đầy đủ, cụ thể, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý cũng như DN trong quá trình áp dụng, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chỉ ra thực tế, hiện chưa có quy định cụ thể để các DN kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh... Một số quy định về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí chưa thống nhất và rõ ràng...

Để khắc phục những "lỗ hổng" pháp lý, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, thời gian tới cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh khí theo hướng thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Trong đó, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh khí; quy định rõ trách nhiệm của thương nhân nhằm bảo đảm mục tiêu cạnh tranh lành mạnh, ổn định và phát triển bền vững, quy định về hoạt động kinh doanh LPG chai và chai LPG.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thiet-lap-moi-truong-kinh-doanh-khi-minh-bach-679674