Thiết lập và công khai 'danh sách đen' những DN liên quan đến tham nhũng

Cơ quan nhà nước cần thiết lập 'danh sách đen' những DN liên quan đến tham nhũng và công khai thông tin trong cộng đồng DN.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, ngày 12-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về thi hành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay nhận thức về tác hại của tham nhũng trong kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều trong cộng đồng DN.

Ông Vinh cũng dẫn một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới World Bank đã chỉ ra hàng năm trên thế giới bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ do tham nhũng, đưa hối lộ. Con số này cho thấy tham nhũng, hối lộ đang gây cản trở, đe dọa sự phát triển vững, làm chậm phát triển của doanh nghiệp.

Các đại biểu, DN thảo luận về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước

Các đại biểu, DN thảo luận về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước

Giám đốc vùng Đông Bắc Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế Việt Nam VIB Hoàng Hải Vương cho rằng, PCTN trước hết phải là nhu cầu tự thân của các DN, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và DN, bên cạnh các tổn thất khác của Nhà nước và thị trường.

Đáng quan tâm, trên thực tế, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa DN với khu vực nhà nước mà còn giữa các DN với nhau. Trong nội bộ DN tư nhân, cũng xảy hiện tượng một số người lợi dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hay thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân… gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Kết quả điều tra trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng năng lực cho các DN nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng”, cho biết khi được hỏi về hình thức đối phó với các hành vi đòi hối lộ, có đến 31% DN sẵn sàng đưa hối lộ, 47% DN đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để để có một dàn xếp có lợi hơn.

Chỉ khoảng 1/3 DN nghĩ đến việc sử dụng các cơ chế chính thức như tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền hay các hiệp hội, trong khi đa số các DN tìm cách tự giải quyết. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy các DN chưa thật sư tin tưởng vào khả năng bảo vệ hoặc trợ giúp của hệ thống pháp luật, cơ quan thi hành pháp luật và các hiệp hội kinh donah.

Dưới góc độ kinh tế, tham nhũng trong khu vực tư sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của DN, hình thành thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. “Trong hội nhập, các DN để phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi của mình thì cần phải dựa trên các nguyên tắc liêm chính”, ông Vương nói.

Muốn xây dựng văn hóa liên chính DN, cần xây dựng các quy định PCTN để buộc DN phải tuân thủ, nhưng chỉ tuân thủ thôi chưa đủ, mà còn phải chú trọng vận động, tuyên truyền, giáo dục và đề cao các giá trị nhân bản, trách nhiệm xã hội của DN.

Theo ông Vương, để PCTN khu vực ngoài nhà nước, Chính phủ phải tăng cường cải cách hơn nữa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, hoàn thiện Chính phủ điện tử để tăng cường tính minh bạch. Đồng thời, cơ quan nhà nước thiết lập “danh sách đen” những DN liên quan đến tham nhũng và công khai thông tin trong cộng đồng DN.

Còn ông Trương Quốc Hưng, Trưởng phòng pháp chế Công ty CP đầu tư, thương mại và dịch vụ Vinacomin nhìn nhận, để thực hiện tốt hơn công tác PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, cần ban hành quy định xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm về phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra thực hiện quy định về phòng ngừa tham nhũng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thiet-lap-va-cong-khai-danh-sach-den-nhung-dn-lien-quan-den-tham-nhung-173304.html