Thiệt thòi khi mượn hồ sơ người khác để đi làm
Thời gian qua, do không đủ điều kiện tuyển dụng, không ít người lao động (NLĐ) đã mượn hồ sơ của người khác để xin việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Việc làm này gây không ít khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BXHX) và rắc rối cho chính NLĐ trong giải quyết chế độ liên quan đến quyền lợi của chính mình.
* Tồn tại tình trạng mượn hồ sơ
Hơn 8 năm làm nhân viên nhân sự tại Công ty TNHH Tâm Dũng Sơn (TP.Biên Hòa), chị Nguyễn Thị Tâm cho biết, là đơn vị chuyên cung ứng lao động cho các DN trên địa bàn tỉnh nên hàng ngày, chị trực tiếp phỏng vấn rất nhiều lao động từ các tỉnh đến Đồng Nai tìm việc. Trong số đó, chị phát hiện không ít lao động mượn hồ sơ của người khác hoặc bạn bè, anh em trong gia đình đi phỏng vấn xin việc.
Dù may mắn được vào các công ty làm việc song những lao động này gặp rất nhiều thiệt thòi khi giải quyết các chế độ BHXH và quyền lợi của mình. Cụ thể, nhiều trường hợp lao động nữ không được nhận trợ cấp thai sản, do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ xin việc. Ngoài ra, NLĐ do mượn hồ sơ đi làm và tham gia đóng BHXH nhưng khi nghỉ việc không được nhận trợ cấp vì thiếu các giấy tờ pháp lý.
Theo các chuyên gia lao động, việc NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH đã vi phạm Khoản 1 Điều 137 Luật BHXH. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH cung ứng lao động Ngọc Phát (TP.Biên Hòa) Ngô Thùy Minh cho biết, nguyên nhân của việc NLĐ mượn hồ sơ xin việc chủ yếu là do NLĐ chưa đủ tuổi đi làm, chưa có căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc lai lịch gia đình, quê quán không rõ ràng… Do đó, chỉ khi NLĐ đi làm và liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nhân sự các DN mới phát hiện được.
Chị Minh kể, cách đây 2 năm, do chưa đủ tuổi đi làm nên chị N.T.L, quê An Giang đã mượn hồ sơ của chị họ xin việc tại một công ty sản xuất hạt điều ở TP.Biên Hòa. Khi điều trị bệnh, chị L. bị từ chối thanh toán chi phí điều trị do chứng minh nhân dân không khớp với thông tin ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
“Rất nhiều trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác để đi làm như chị L. đa phần là lao động phổ thông. Người mượn, người cho mượn hồ sơ có mối quan hệ thân thiết như anh, chị em ruột hoặc họ hàng, bạn thân và điểm chung ở họ là thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến mất quyền lợi của mình” - chị Minh nhấn mạnh.
* Cần có giải pháp
Theo Bộ luật Lao động, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Dù NLĐ được hưởng lương, thưởng đều đặn hàng tháng, hàng năm nhưng khi có sự cố xảy ra, họ mất hết quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp…
Thời gian qua, ngành BHXH đã phát hiện nhiều NLĐ trùng hồ sơ trong quá trình tham gia BHXH. Hầu hết các trường hợp này là do NLĐ mượn hồ sơ của người khác để xin việc. Đa số NLĐ mượn hồ sơ người khác đều có chung lý do là không đủ tuổi lao động, ngại về quê xác nhận giấy tờ. Ngoài ra, việc dễ dãi trong công tác tuyển dụng của nhiều công ty cũng tiếp tay cho NLĐ “lách luật” mượn hồ sơ người khác đi làm.
Ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, NLĐ ngoài hiểu biết hạn chế về pháp luật, việc người sử dụng lao động không xem xét kỹ hồ sơ trong quá trình tuyển dụng đã dẫn đến tình trạng trên. Anh Trường cho rằng, ở nhiều DN, NLĐ vào phỏng vấn làm việc vài hôm, rồi lại nghỉ do công việc không phù hợp nên khó kiểm tra, đối chứng. Vô hình chung việc này lại ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là NLĐ làm việc và tham gia các loại hình bảo hiểm liên tục nhiều năm liền.
Tại các hội nghị giao ban DN các ngành nghề gần đây, một số cán bộ Công đoàn phản ánh, việc sử dụng hồ sơ mượn sẽ dẫn đến rắc rối khi giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ. Với những người muốn có việc làm để nuôi sống bản thân và được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm, việc mượn hồ sơ sẽ dẫn đến nhiều thiệt thòi. Trước mắt, những người này có thẻ bảo hiểm y tế nhưng thẻ mang tên người khác nên không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Thực tế, thời gian làm việc càng dài thì bản thân NLĐ càng thiệt thòi về quyền lợi.
Mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Công văn 1767 gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, BHXH Việt Nam về tình trạng NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, Bộ LĐ-TBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở
LĐ-TBXH, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.