Thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịChất vấn và trả lời chất vấn là một trong 7 hình thức hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Theo nhìn nhận của nhiều cử tri, hình thức giám sát này có hiệu lực mạnh chỉ sau giám sát lấy phiếu tín nhiệm, và là một trong những tiền đề trực tiếp, quan trọng bậc nhất của kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Vì thực tiễn cho thấy, 3 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, chưa có trường hợp nào trả lời chất vấn không mấy rõ ràng, mạch lạc về trách nhiệm mà lại đạt được nhiều phiếu ở mức 'tín nhiệm cao'.
Có hai nhóm đặc điểm của hoạt động chất vấn, đó là nhóm các đặc điểm “truyền thống” và nhóm các đặc điểm mới của mỗi kỳ. Hoạt động và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV tuần qua thể hiện đầy đủ, đậm nét hai nhóm đặc điểm này.
Nhiều vấn đề thực sự được phân tích, mổ xẻ, lý giải đi đến tận cùng
Với nhóm các đặc điểm truyền thống, như dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và trách nhiệm..., có thể thấy, tại các phiên chất vấn vừa qua đã được thể hiện ở cả đại biểu Quốc hội - người thực hiện quyền chất vấn và người trả lời chất vấn một cách rõ ràng, sắc nét và mạnh mẽ hơn. Tranh luận giữa đôi bên quyết liệt hơn, với những chất vấn “nói có sách, mách có chứng”, được dẫn ra bởi các văn bản cụ thể, và phần trả lời với những kết quả cụ thể, mạch lạc... Không khí nghị trường rất sôi nổi.
Về nhóm các đặc điểm mới, trong 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính lần này, thì có 3 Bộ trưởng lần đầu tiên đăng đàn, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới được Quốc hội khóa XV phê chuẩn đầu Kỳ họp thứ Tư. Nhìn chung, với mức độ khác nhau, các Bộ trưởng đều đã thành công khi “xung trận”.
Theo dõi các phiên chất vấn lần này, có thể thấy, có sự chuyển hóa giữa số lượt đại biểu chất vấn và số lượt đại biểu tranh luận, trong đó số lượt đại biểu tranh luận nhiều chưa từng có. Lần đầu tiên ý kiến tranh luận được trả lời tương tự như câu chất vấn về mặt thời lượng, đôi khi thời lượng còn dài hơn trả lời câu chất vấn. Thống kê cho thấy, toàn bộ kỳ chất vấn có 454 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, nhưng chỉ có 112 lượt đại biểu đã được chất vấn, bằng gần 25% so với số lượng đăng ký. Tương tự như vậy, có 49/ 55 lượt đại biểu giơ biển tranh luận đã tranh luận, bằng hơn 89% số đại biểu giơ biển đăng ký. Có 2 Bộ trưởng có số lượt đại biểu tranh luận nhiều là: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với 12 tranh luận so với 20 chất vấn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có 17 tranh luận so với 20 chất vấn.
Do có sự chuyển hóa giữa chất vấn và tranh luận, nên đây cũng là lần đầu tiên khá nhiều vấn đề thực sự được phân tích, mổ xẻ, lý giải đi đến tận cùng. Từ Phó Thủ tướng đến 4 Bộ trưởng đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong mỗi vấn đề được đặt ra. Đó là văn bản hướng dẫn nợ đọng ở đâu? Công việc điều hành ách tắc ở khâu nào? Vật liệu mới thay thế có bảo đảm chất lượng công trình không? Mức độ giải ngân đầu tư công và lý do chưa giải ngân được? Độ chuẩn xác của các tiêu chí trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cần điều chỉnh như thế nào? Giải pháp “đột phá” để có đội ngũ lao động chất lượng cao là gì?...
Cử tri, nhất là đồng bào các dân tộc ít người, vô cùng cảm kích trước lời giãi bày tâm huyết của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi đề cập tới việc chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và đặc biệt xin nhận khuyết điểm trước bà con đang sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì chương trình này và hai chương trình còn lại đã thực hiện không đúng theo yêu cầu đặt ra, hay nói giản dị là rất chậm...”.
Tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt các vấn đề vừa được chất vấn
Thông qua phiên chất vấn lần này, có lẽ không ít đại biểu Quốc hội và đông đảo bà con cử tri mới ngày càng hiểu hơn những khó khăn, vất vả, phức tạp của các bộ, ngành trong triển khai công việc của nhiệm kỳ, đặc biệt là đối với Ủy ban Dân tộc. Cả nước có tới 51/63 địa phương cấp tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số, ở nhiều địa phương do đồng bào sinh sống không tập trung nên việc xác định tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho chính xác là một việc không đơn giản. Đến giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt được danh sách các xã thuộc vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mới phê duyệt được danh sách các thôn đặc biệt khó khăn. Nghĩa là sau tháng 6.2021 mới có thể triển khai được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trong khi nhiệm kỳ này của địa phương là 2020-2025). Việc lồng ghép 3 Chương trình để loại bỏ những trùng lắp và điều chỉnh các mục tiêu giữa 3 Chương trình để tránh chồng chéo cũng là công việc rất phức tạp...
Qua thực thi nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc cũng đặt ra cho Chính phủ nhiều công việc: Chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc soạn thảo các chính sách sao cho ăn nhập với thực tiễn, khắc phục tình trạng như Phó Thủ tướng đã báo cáo trước Quốc hội, chỉ “3 Chương trình mục tiêu quốc gia có đến 73 văn bản tích hợp từ 118 chính sách... chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành Trung ương, cho nên còn chồng chéo, thậm chí xung đột với nhau...”; và trong một đợt khảo sát kết hợp với hội nghị, “chúng tôi ghi nhận được 339 thắc mắc của anh em ở cơ sở vì không biết làm như thế nào cho đúng”. Như vậy, song song với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan, thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tổng hợp, rà soát các chính sách cùng tác động đến một đối tượng sao cho thống nhất trước khi ban hành...
Kết thúc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2 ngày rưỡi làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, đến lúc này Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, thu hút được sự quan tâm và chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước... Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề là thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri... Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt các vấn đề vừa được chất vấn. Điều này một lần nữa khẳng định tính chất, vai trò quan trọng cũng như hiệu lực, hiệu quả của chất vấn - một trong những hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội.