Thiết thực giúp đồng bào miền núi thoát nghèo

Sau 12 năm đồng hành cùng 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Bộ mặt nông thôn miền núi ở 3 huyện vùng cao: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ sau hơn 10 năm đã khởi sắc, cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống điện lưới đã được cải tạo, nâng cấp làm mới; kinh tế xã hội của 3 huyện nghèo từng bước phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, từ 8 triệu đồng/người năm 2008 tăng lên 41,7 triệu đồng/người năm 2020 (tăng 5,2 lần). Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về hành trình giúp đồng bào thoát nghèo.

Phóng viên (PV): Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chủ trương lớn nhưng có nhiều khó khăn, thách thức, EVN đã kiên trì làm và làm bằng được, vậy đâu là nguyên nhân thành công thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, EVN được phân công hỗ trợ 3 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu là: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, EVN đã chủ động làm việc với lãnh đạo các huyện, lãnh đạo tỉnh Lai Châu để xây dựng kế hoạch triển khai; phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát thực trạng, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân.

Đến nay, với tổng kinh phí 980,2 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ của EVN được chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần vào sự nghiệp giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững của 3 huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.

Đặc biệt, năm 2018, huyện Than Uyên, Tân Uyên là huyện điển hình của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước. Không chỉ tỉnh, bà con nơi đây vui mừng mà bản thân mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện cũng vui mừng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành.

PV:Trong rất nhiều hoạt động vì cộng đồng mà EVN đã triển khai, theo ông, đâu là hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất?

Ông Dương Quang Thành: Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng của EVN trong từng giai đoạn đều bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Mỗi hoạt động đều có ý nghĩa và mang lại những hiệu quả riêng trong công cuộc hỗ trợ các hộ gia đình, các địa phương “xóa đói, giảm nghèo”, phát triển bền vững; góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Điển hình, với việc phát triển lưới điện nông thôn, EVN đã góp phần đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ hộ dân có điện thấp nhất cả nước (chỉ có 37% số xã và 43% số hộ dân có điện năm 2008) đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia vào năm 2015 và đến cuối năm 2021, số hộ dân có điện là 97,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV nhiệm kỳ 2021-2025. Riêng 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, tỷ lệ hộ dân có điện lưới quốc gia năm 2008 chỉ đạt 41%, thấp hơn so với toàn tỉnh, đến năm 2021 đã đạt hơn 99,8%, cao hơn tỷ lệ hộ dân có điện lưới toàn tỉnh.

Điện lưới quốc gia đã tạo động lực, tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn, miền núi. Có điện giúp con em đồng bào các dân tộc thuận lợi hơn trong học tập, chất lượng giáo dục được tăng lên; hoạt động văn hóa, thông tin truyền thông được mở rộng, dân trí được mở mang. Đặc biệt, điện đã tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình...

PV:Để có được những thành quả này, EVN đã vượt qua những khó khăn, thách thức nào trong quá trình triển khai, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Để có được thành quả như ngày hôm nay, các đơn vị trực thuộc EVN được giao nhiệm vụ gồm Công ty Điện lực Lai Châu, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nằm ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Nhiều thôn, bản chưa có đường giao thông nên công tác vận chuyển vật tư, thiết bị thi công gặp rất nhiều khó khăn. Thời tiết khu vực phía Bắc lại rất khắc nghiệt. Mùa mưa liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm gây sạt lở đường, khiến công tác vận chuyển vật tư thiết bị đến chân công trình rất gian nan, có khi những thời điểm bị ngưng trệ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Mặc dù quá trình thực hiện Chương trình 30a có nhiều khó khăn vất vả nhưng EVN rất vui mừng vì đã góp phần giúp bà con miền núi thoát nghèo.

PV: Hơn 10 năm lăn lộn cùng với tỉnh miền núi, đặc biệt là 3 huyện: Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của EVN khi triển khai Nghị quyết 30a tại vùng núi cao này?

Ông Dương Quang Thành: EVN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên số 1 là đầu tư: Nâng cấp lưới điện, phát triển lưới điện nông thôn, tập trung cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện với hơn 848 tỷ đồng; xóa nhà tạm: 13,115 tỷ đồng; xây dựng nhà bán trú dân nuôi, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học: Hơn 90,2 tỷ đồng; hỗ trợ xi măng cứng hóa gần 72,7km đường giao thông thôn: 12,76 tỷ đồng; đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp: 9,5 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo và bố trí việc làm cho học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; các hỗ trợ khác: Triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ các đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú; sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm...

PV: Thực hiện thành công Nghị quyết 30a, EVN rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

Ông Dương Quang Thành: Công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, EVN xác định, quá trình thực hiện phải kiên trì, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích. Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở các chương trình EVN hỗ trợ, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, giải pháp, cách thức tổ chức cụ thể trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, công khai và được cộng đồng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện.

Đến nay, chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung, chúng tôi rất vui mừng khi đã đóng góp được một phần công sức của mình trong đó; đồng thời cũng tự hào khi đã thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền.

Ngoài hoàn thành Nghị quyết 30a Chính phủ giao, EVN cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trên cả nước; phối hợp với nhiều địa phương hoàn thành chỉ tiêu về điện trong 19 chỉ tiêu về nông thôn mới. Góp phần giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu, vừa trách nhiệm, là vinh dự của chúng tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LÊ KHANH - TIẾN VƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thiet-thuc-giup-dong-bao-mien-nui-thoat-ngheo-690380