Thiết thực hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, làm thay đổi diện mạo nông thôn ở ngoại thành. Kết quả đó có sự đóng góp công sức của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Hồ Chí Minh thông qua nhiều mô hình, việc làm cụ thể…
Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham gia thực hiện nhiều tiêu chí xây dựng NTM tại các địa phương như: Bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông, củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; giảm hộ nghèo… Tùy theo tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động, mỗi cơ quan, hải đội, đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố xác định và triển khai những mô hình riêng để chung sức xây dựng NTM. Nổi bật là các mô hình: “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Lớp học vi tính vì cộng đồng”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Phòng khám quân dân y kết hợp”, “Con đường và mái nhà cho dân”…
Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cụ thể hóa phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM” và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, ngay từ những ngày đầu, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các mô hình hỗ trợ phát triển an sinh xã hội; coi trọng chất lượng và tính hiệu quả của mô hình, phù hợp khả năng thực tế của đơn vị.
Chẳng hạn như mô hình “Nước sạch vùng biên” hỗ trợ nông dân và các đơn vị bộ đội đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo. Mô hình này đã được triển khai từ nhiều năm nay, không chỉ giúp đỡ nông dân huyện Cần Giờ mà còn được thực hiện ở nhiều địa phương vùng biên giới các tỉnh trong khu vực. Hay, mô hình trao sinh kế tặng hộ nghèo được các đồn, trạm biên phòng thực hiện hiệu quả, giúp người nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống. Các sinh kế trao tặng thường là xe máy, lưới đánh bắt cá, máy ép nước mía… gắn liền với công việc hằng ngày của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), chia sẻ: “Gia đình tôi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa tặng một bộ lưới đánh cá giúp cho việc mưu sinh trên biển của gia đình tôi thuận lợi và có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước”.
Thực hiện các mô hình “chung sức”, những năm qua, BĐBP thành phố đã chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ và nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn hỗ trợ vật chất, kinh phí, nhân lực giúp các xã khó khăn tu sửa đường liên ấp, xây dựng công trình dân sinh, kết cấu hạ tầng và trao tặng nhà tình nghĩa. Từ năm 2009 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ thành phố và các nhà hảo tâm vận động kinh phí xây dựng, bàn giao 28 công trình dân sinh, trao tặng 570 căn nhà đại đoàn kết; tặng 218 phương tiện sinh kế, 743 suất học bổng, 315 chiếc xe đạp, 17 chiếc xe lăn; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 14.500 lượt người dân trên địa bàn biên giới của cả nước... với tổng kinh phí hơn 47 tỷ đồng.
Quá trình xây dựng NTM ở huyện Cần Giờ gặp nhiều khó khăn hơn so với các huyện khác của thành phố, do vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng đứng chân tại đây phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự; tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và phối hợp bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ để tạo môi trường sống trong lành cho thành phố.
Chỉ tính riêng trên tuyến biên giới biển của huyện Cần Giờ, trong 10 năm tham gia xây dựng NTM, BĐBP thành phố đã huy động 6.725 ngày công và gần 13 tỷ đồng để xây dựng công trình dân sinh, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội; trồng hơn 22.000 cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn và rừng ngập mặn; tổ chức chín lớp học tình thương, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho 157 học viên; phối hợp mở bốn lớp học vi tính cộng đồng, một lớp dạy nghề cho 165 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và học sinh; nhận đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Những công trình, việc làm này đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn chỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cần Giờ từng bước được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 43,78 triệu đồng (tăng gấp ba lần so với năm 2009)...
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56 xã và năm huyện ngoại thành đều đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân được nâng cao theo hướng bền vững. Để góp phần cùng thành phố hoàn thành mục tiêu, Đại tá Nguyễn Duy Thắng, Chính ủy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục đăng ký chỉ tiêu, bám sát các tiêu chí xây dựng NTM; phối hợp địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất; chọn những mô hình, phần việc, phương tiện sinh kế mà người dân thật sự cần để hỗ trợ, thực hiện; tích cực tham gia lao động giúp dân và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh…