Thiết thực mô hình 'Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn bán trú, nội trú' ở Xín Mần
BHG - Hơn 3,4 tỷ đồng là kinh phí mua thực phẩm, rau xanh từ các trường học chi trả cho các hộ dân cải tạo vườn tạp. Đây là kết quả của mô hình “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn bán trú, nội trú” được huyện Xín Mần triển khai, mang ý nghĩa thiết thực trên địa bàn huyện.
Nhằm cụ thể hóa nội dung Chương trình số 07 ngày 17.7.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xín Mần về thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, khuyến khích hộ dân tham gia cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bước vào đầu năm học 2022 – 2023, UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn ký cam kết thực hiện cung ứng, thu mua thực phẩm, rau xanh các hộ dân cải tạo vườn tạp, triển khai mạnh mẽ mô hình “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn nội trú, bán trú”. Việc ký hợp đồng cung ứng, thu mua thực phẩm, rau xanh được thực hiện trên tinh thần công khai, minh bạch, theo sự thỏa thuận, nhu cầu giữa nhà trường và các nhóm hộ dân theo giá thị trường. Qua đó, mục tiêu hướng đến học sinh các trường học được sử dụng thực phẩm, rau sạch, do chính phụ huynh, người dân nuôi, trồng ngay tại địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Bản Díu có tổng số 496 học sinh, trong đó có 185 học sinh bán trú. Hàng tuần nhà trường đều liên kết với các hộ dân trong xã thu mua rau xanh hơn 300 kg để cung cấp bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thu mua thực phẩm, rau xanh của người dân đã được nhà trường ưu tiên từ trước. Sau khi triển khai mô hình “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn nội trú, bán trú” của huyện, xã, nhà trường đã lựa chọn 1 hộ dân để làm đầu mối thu mua rau cho các nhóm hộ trên địa bàn. Hộ dân này sẽ chịu trách nhiệm gom thực phẩm, rau xanh của các hộ dân khác, cùng với đó gắn trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm khi cung ứng cho nhà trường. Từ tháng 9.2022 đến nay, nhà trường tiến hành thu mua hơn 6.400 kg rau xanh các loại cho người dân, chi trả kinh phí gần 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo nhu cầu rau xanh và thực hiện tốt nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường cũng tích cực triển khai các mô hình tăng gia sản xuất, “vườn rau của em” trong khuôn viên trường học và được giáo viên, học sinh đồng tình, hưởng ứng.
Hiện tại, 3 trường học gồm trường Mầm non, trường PTDT Bán trú Tiểu học, trường THCS xã Bản Díu đều tiêu thụ rau xanh cho các hộ dân cải tạo vườn tạp, tùy vào nhu cầu của từng trường khác nhau. Chủ tịch UBND xã Bản Díu, Hoàng Thanh Đại cho biết: Để thực hiện có hiệu quả mô hình “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn nội trú, bán trú” do huyện phát động, xã tiến hành họp, ký kết giữa nhà trường và người dân để thu mua rau xanh, thực phẩm. Đến nay, mô hình đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ rau xanh cho bà con nhân dân, nhất là các hộ dân tham gia cải tạo vườn tạp cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học. Năm 2022, xã Bản Díu có hơn 110 hộ dân tham gia cải tạo vườn tạp, trong đó có 11 hộ dân được hỗ trợ theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, từ tháng 10.2022 đến nay, các trường học đã mua thực phẩm, rau xanh cho các hộ dân liên kết với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Cụ thể, có hơn 210 hộ dân cung ứng rau, củ quả cho nhà trường, tổng sản lượng tiêu thụ 89.145 kg, tổng kinh phí đã thanh toán hơn 1,3 tỷ đồng. Rau do nhà trường tự cung cấp 14.270 kg, tổng kinh phí thanh toán cho các tổ chức trong nhà trường cung cấp rau hơn 141 triệu đồng. Tổng sản lượng thực phẩm đã mua từ các hộ dân trên địa bàn các xã đạt 53.681 kg, kinh phí chi trả mua thực phẩm hơn 2 tỷ đồng. Một số xã thực hiện tốt mô hình như xã Quảng Nguyên, Xín Mần, Trung Thịnh, Nàn Xỉn và Bản Díu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Vũ Thị Hòa cho biết: “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn nội trú, bán trú” là mô hình mang nhiều ý nghĩa thiết thực đã và đang được các xã, trường học thực hiện. Qua đó, sẽ phát huy tối đa vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn trong việc đẩy mạnh thực hiện cải tạo vườn tạp. Đồng thời, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành phát triển các nhóm hộ, nhóm sở thích, nâng cao chất lượng cải tạo vườn tạp. Mặt khác, khi mô hình được triển khai sẽ phát huy được vai trò giám sát của chính quyền, nhà trường, người dân trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; cải thiện bữa ăn hàng ngày, nâng cao thể chất, thể trạng cho học sinh. Từ đó, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ngoài việc học tập, rèn luyện ở trong nhà trường, khi về nhà tích cực giúp đỡ bố mẹ trong công việc gia đình; biết quý trọng những giá trị về tinh thần và vật chất, sản phẩm do chính bàn tay người lao động làm ra.