Thiếu chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trong phiên thảo luận sáng 25/10, các đại biểu nhận định, Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này vẫn chưa giải quyết được khoảng trống pháp lý trong vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra.

Việc ban hành kết luận thanh tra là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu đối với mỗi cuộc thanh tra. Chậm trễ trong ban hành kết luận thanh tra sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các kiến nghị và quyết định xử lý, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cuộc thanh tra.

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao? Nguyên nhân ở đâu? Giải pháp khắc phục thế nào? Chế tài ra sao? Người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra. Vậy khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định, thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra, quy định vấn đề này như thế nào, chế tài ra sao. Thực tế hiện hữu đang xảy ra mà chúng ta chưa khắc phục được.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng: “Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm. Không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai và đến bao giờ mới có thể ban hành kết luận thanh tra. Tôi có ý kiến lần này là lần thứ 2, nếu không tiếp thu cần giải trình làm rõ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra, vì sẽ gây khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện quy trình thanh tra.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thieu-che-tai-xu-ly-viec-cham-ban-hanh-ket-luan-thanh-tra