Thiếu công khai thông tin quy hoạch dẫn đến sốt ảo, thao túng thị trường đất đai
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng, do thiếu thông tin công khai về quy hoạch nên dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, mất ANTT...
Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành".
Tưởng đơn giản là một cú click chuột nhưng thực hiện khó khăn
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) bày tỏ tán thành và thống nhất với những nhận định của Đoàn giám sát về những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đồng thời nhất trí sự cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện một số giải pháp cụ thể khác luật hiện hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Đoàn giám sát đã chỉ rõ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. "Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú click chuột, nhưng việc thực hiện thì có vẻ rất khó khăn trên thực tế", đại biểu Lê Thanh Hoàn đánh giá việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.
Theo ông, việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. "Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất ANTT tại một số địa phương", ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch. Do đó, ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) lưu ý việc bảo đảm tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch và đề nghị trong công tác giám sát của các cơ quan quyền lực Quốc hội, HĐND các cấp cần quan tâm việc triển khai đưa luật vào cuộc sống. Vì việc xây dựng được quy hoạch mới là tiền đề, là bước đầu để thực hiện hiệu quả trong thực tế.
"Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai diễn ra nhiều nơi, nơi nào cũng hợp lý, có cơ sở nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại có vi phạm. Ở đây tôi không đề cập đến các vụ đã xảy ra và đang trong quá trình tố tụng mà chỉ mong muốn cần có biện pháp mạnh hơn để tránh tình trạng này", đại biểu góp ý.
Cần có chế tài xử lý quy hoạch treo
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá, sau hơn 3 năm thực hiện triển khai Luật Quy hoạch, những nội dung được quy định trong Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực.
Chẳng hạn, quy hoạch treo, dự án treo - một vấn đề mà xã hội và người dân hết sức quan tâm. Quy hoạch treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố và sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ kế hoạch.
"Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong Nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền", đại biểu phân tích.
Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Khẳng định Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình giám sát tối cao năm 2022 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là rất đúng đắn và kịp thời, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc bố trí này nhằm đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh, giữa dân số với phát triển, kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn. "Đồng thời đảm bảo quy hoạch phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, có tính khả thi cao để tránh các dự án đầu tư nhiều năm nhưng không thực hiện, dẫn đến dự án treo, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân bị thu hồi đất và lãng phí nguồn lực đất đai", đại biểu lý giải.