Thiếu điện được cảnh báo từ 2 năm trước nhưng vì sao vẫn phải 'cầu trời mưa'?
Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu điện không phải bây giờ mới thấy, mà đã được cảnh báo từ cách đây 2 năm. Tuy vậy, đến nay, hy vọng lớn nhất vẫn là trông chờ vào các nhà máy thủy điện có nước về hồ để phát điện, hay nôm na là cầu mong 'trời mưa, có lũ về', khi mà nguồn năng lượng tái tạo ở miền Nam, miền Trung không giải quyết được thiếu điện trong giai đoạn ngắn hạn của miền Bắc.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, bắt đầu từ tháng 3 – 4 đã xuất hiện một số điểm khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, tình hình căng thẳng hơn vào tháng 5 – 6. Trong khi đó, nhiều hồ thủy điện hiện đã về mực nước chết không có khả năng phát điện.
Huy động thêm nguồn điện sạch chuyển tiếp không giải quyết được thiếu điện ở miền Bắc?
Ông Trung kỳ vọng lũ sẽ về vào tháng 7 tới theo quy luật mọi năm. Tháng 7, tần suất có lũ về diễn ra cao: "Chúng tôi rất mong lũ trên thượng nguồn về dòng sông Đà thì tình hình căng thẳng sẽ được giải tỏa. Tháng 8, cơ bản khó khăn về cung ứng điện được giải tỏa".
Về nguồn nhiệt điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đang cố gắng khắc phục các sự cố tại một số nhà máy. Hiện, phía Bắc có 3 tổ máy bị sự cố kéo dài gồm Phả Lại (EVN), Vũng Áng (PVN) Cẩm Phả (TKV),… để sớm vận hành vào tháng 7-8. Trong khi đó, giai đoạn vừa qua không có thêm nhiều nguồn điện lớn được đưa vào vận hành.
“Hệ thống nguồn điện phát triển mạnh, nhưng chỉ mạnh ở nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở miền Nam, Nam Trung bộ. Cơ cấu nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện và điện nhập khẩu từ các nước láng giềng. Đây là khó khăn, thách thức trong vận hành hệ thống điện”, ông Lâm chia sẻ.
Liên quan tới việc huy động tổng công suất 4.700 MW từ các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng Kinh doanh mua điện của Công ty Mua bán điện (EVN) giải thích, năng lượng tái tạo đóng góp vào hệ thống điện Việt Nam nhưng không giải quyết được thiếu điện trong giai đoạn ngắn hạn của miền Bắc. Nguyên nhân là do quá tải đường truyền tải.
Lý giải thêm điều này, ông Lâm cho biết: Hiện nay, Việt Nam có hệ thống truyền tải 220kV, 500kV lớn nhất Đông Nam Á, lưới điện 110 KV chỉ thua Thái Lan. Lưới điện truyền tải Bắc - Nam, Việt Nam sở hữu 2 đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, nhưng mạch 3 mới đầu tư từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào Phú Lâm (Phú Yên), chưa đầu tư đường truyền tải ra ngoài Bắc.
Ông Lâm phân tích, mạch 3 nối tiếp từ Hà Tĩnh trở ra kết nối với Phố Nối (Hưng Yên), tiến độ mục tiêu là đến năm 2030 hoàn thành, nhưng trước tình huống cấp bách trên, EVN đang giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan để hoàn thành trước thời hạn, đảm bảo đưa thêm 1.000 – 1.500MW ra miền Bắc.
Nguy cơ thiếu điện còn rất cao
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, thiếu điện bây giờ không phải mới thấy mà đã được cảnh báo từ cách đây 2 năm.
“Năm 2022, tôi không đếm được bao lần thảo luận nói về nguy cơ thiếu điện trong năm 2023. Ngay trong kịch bản phân tích đánh giá đề án cho Quy hoạch điện VIII thì tất cả tính toán đều nói câu chuyện rủi ro lớn về cung ứng điện cho khu vực miền Bắc trong 2023-2024, khi câu nói quen thuộc là các dự án thủy điện đã xây dựng hết rồi”, ông Sơn thông tin.
Chuyên gia Hà Đăng Sơn kể lại, năm 2019, khi ông tham dự tọa đàm và chia sẻ về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo miền Bắc, lúc đó trong một dự thảo của Bộ Công Thương có nêu ra đề xuất cần phải phân vùng, ưu đãi khác biệt, ở khu vực tốt thì nghẽn lưới truyền tải nên sử dụng ưu đãi giá FIT thấp hơn; đồng thời ưu tiên cho khu vực miền Bắc với giá FIT cao hơn khi phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ông Sơn chia sẻ, không biết lý do làm sao đề xuất này lại không được chấp nhận, sau đó giá FIT ban hành lần 2 cho các dự án năng lượng tái tạo bằng nhau giữa các vùng miền, dẫn tới nhà đầu tư chọn xây dựng dự án ở miền Trung và miền Nam thay vì miền Bắc. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc còn rất cao.
Nhìn nhận thực tế trên, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, nguyên nhân đầu tiên gây thiếu điện là nắng nóng và hạn hán, đây là việc "của trời", nhưng không phải không dự báo trước. Đồng thời, thiếu điện là do không có nguồn điện mới, nguồn điện dự phòng, giờ phải huy động hết mọi thứ theo kiểu “giật gấu vá vai”. Đặc biệt, truyền tải điện không thể chuyển được điện dư thừa từ miền Trung, miền Nam ra miền bắc.
“Những nguyên nhân này đều được dự đoán trước, năm nay khả năng thiếu điện và tiếp tục thiếu điện”. Hy vọng, theo ông Cung, vẫn là “nhờ trời mưa, trông chờ lũ về hồ thủy điện”, nếu như có chỉ đạo quyết liệt thì chỉ được 3 tổ máy của các nhà máy nhiệt điện đang gặp sự cố hoạt động trở lại, chứ không có hy vọng gì thêm.
Về lâu dài, ông Cung cho rằng, cần tạo cơ chế chính sách thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển nguồn điện mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới truyền tải, tránh những rủi ro, thủ tục khó đoán định khiến nhà đầu tư không dám rót vốn.