Thiếu điện trầm trọng, cổ phiếu nhiệt điện hưởng lợi đến đâu?
Nhiệt điện đang được hưởng lợi nhiều hơn thủy điện. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, bao gồm Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và nhà máy điện than Vũng Áng của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam...
Việt Nam thiếu điện trong quý 2/2023, chủ yếu xảy ra ở miền Bắc và một phần do hiện tượng El Ninõ đến sớm hơn dự kiến làm giảm sản lượng thủy điện.
Trước tình hình này, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy vận hành thương mại các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp, yêu cầu Vinacomin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng nguồn nguyên liệu than/khí cho các nhà máy điện, tiết kiệm 2% điện năng quốc gia để giải quyết triệt để tình trạng thiếu điện trong tháng 6.
Trong hơn 20 năm qua, tình trạng thiếu điện ở Việt Nam thường xảy ra đồng thời với hiện tượng El Ninõ. Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2007 và tình trạng thiếu điện nhẹ vào năm 2015 và 2019.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu nhiệt điện, Chứng khoán Vietcap cho rằng tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra ở miền Bắc trong mùa khô giai đoạn 2024-2025 (tháng 4 - tháng 7) do dự báo công suất điện sẽ tăng trưởng ở mức thấp tăng 7,2%/7,5% so với cùng kỳ vào năm 2023/2024, gây khó khăn cho việc bắt kịp nhu cầu điện tăng ~9%/năm trong giai đoạn 2024-2025.
El Ninõ sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu điện trong các tháng mùa hè và mặt khác ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của thủy điện và LNG nhập khẩu tại kho cảng Thị Vải sẽ chỉ giúp tăng công suất điện thêm khoảng 1.000-1.500 MW tương ứng khoảng 1%-2% công suất điện cả nước vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện chỉ tác động nhẹ đến tăng trưởng GDP trong quá khứ. Trong tương lai, kỳ vọng các giải pháp nêu trên sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Tình trạng thiếu điện thúc đẩy sự tăng giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). Vietcap nâng dự báo giá CGM năm 2023 thêm 6% lên 1.738 đồng/kWh (+13% YoY). Ngoài ra, nâng dự báo giá CGM giai đoạn 2024-2025 thêm lần lượt 6% và 10%. Trong giai đoạn 2024-2025, dự báo giá CGM sẽ tăng 4% YoY.
Vietcap giữ nguyên giả định giá than năm 2023 nhưng hạ dự báo giá than giai đoạn 2024-2025 thêm ~10% sau đợt điều chỉnh giá than quốc tế gần đây.
Triển vọng thị trường thắt chặt và giá CGM cao hơn giúp nhiệt điện hưởng lợi nhiều hơn thủy điện. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, bao gồm Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) và nhà máy điện than Vũng Áng của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW).
Cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của Vietcap trong lĩnh vực nhiệt điện là POW. Công ty chứng khoán này tăng giá mục tiêu cho POW thêm 4% và duy trì khuyến nghị khả quan. Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của POW sẽ tăng 86% do kỳ vọng tổ máy số 1 của Vũng Áng sẽ đi vào hoạt động trở lại vào tháng 8/2023 và hưởng lợi từ tình trạng thiếu điện của miền Bắc cũng như giá than giảm.
LNG nhập khẩu tại Việt Nam sẵn sàng vào tháng 7/2023 sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro thiếu khí vào năm 2024. POW đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2024 là 9,2 lần — thấp hơn ~40% so với P/E trung bình 5 năm của POW.
Đồng thời, giữ nguyên giá mục tiêu cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua xuống khả quan. Tăng giá mục tiêu cho PPC thêm 21% và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan.
Vietcap đánh giá cao QTP vì tin rằng QTP được hưởng lợi nhiều nhất từ triển vọng thiếu điện của Việt Nam. QTP đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2023-24 là 9,8x/6,9x — lần lượt thấp hơn ~50% và ~10% so với P/E trung bình của các cổ phiếu nhiệt điện đang theo dõi.