Thiếu định hướng nghề nghiệp, sinh viên dễ chán giảng đường

Thời điểm này, các tân sinh viên đang chuẩn bị nhập học. Có bao nhiêu sinh viên được học đúng ngành mình yêu thích, đam mê và theo đuổi công việc mơ ước đến cùng?

Có bao nhiêu sinh viên chọn học ngành nào, trường gì xuất phát từ điều ngẫu nhiên, từ mong muốn của gia đình, bè bạn hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu có bằng đại học?

Việc thiếu định hướng nghề nghiệp khiến nhiều bạn phải học trái ngành, chán giảng đường, không dám thay đổi nên lãng phí vài năm cho đến hàng chục năm cuộc đời. Giải pháp nào để tìm kiếm động lực học đúng đắn?

Những buổi hướng nghiệp chóng vánh chuẩn bị vào đại học, những tờ trắc nghiệm tính cách, nghề nghiệp không đủ giúp các sinh viên tìm kiếm và theo đuổi được công việc mơ ước

Những buổi hướng nghiệp chóng vánh chuẩn bị vào đại học, những tờ trắc nghiệm tính cách, nghề nghiệp không đủ giúp các sinh viên tìm kiếm và theo đuổi được công việc mơ ước

Trần Văn Hiếu là tân sinh viên khoa Công tác xã hội, trường Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An. Cách đây 2 năm, Hiếu đã rời bỏ giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội khi mới chỉ qua một học kỳ. Những buổi hướng nghiệp chóng vánh chuẩn bị vào đại học, những tờ trắc nghiệm tính cách, nghề nghiệp không đủ giúp Hiếu tìm kiếm và theo đuổi được công việc mơ ước. Đó là lý do bạn thiếu kiên nhẫn học tiếp ngành sư phạm Lịch sử vốn không phải đam mê và thế mạnh: "Em quyết định nghỉ học khi học được một học kỳ của năm nhất. Em cảm thấy bị học trái ngành. Sau đấy đến năm 2022 em học thiết kế đồ họa. Đầu năm 2023 em quyết định một lần cuối cùng thi lại đại học năm nay.

Em thích công tác xã hội nên không đăng ký sư phạm nữa. Từ sau khi nghỉ đại học em có nhiều mối quan hệ, giao tiếp gặp gỡ nhiều người, em thấy mình hợp với việc giúp đỡ con người nên chọn ngành công tác xã hội".

Khi Hiếu phải tạm dừng việc học, dành 2 năm trải nghiệm cuộc sống để tìm ra công việc mình muốn làm thì Ngô Kiều Anh, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Kinh tế TPHCM quyết tâm học xong lấy tấm bằng tốt nghiệp, dù còn rất mơ hồ với ngành học Quản lý chất lượng. Kiều Anh chỉ biết mình hợp làm nghề gì đó liên quan tới kinh tế, rồi chọn trường nhưng không chắc học xong sẽ làm công việc như thế nào:

"Hồi thi đại học ngoài kinh tế ra em không biết mình thích gì khác. Em có nói chuyện với một vài anh chị quen về dự định nhưng hầu hết vẫn đi theo cảm xúc cá nhân nhiều hơn là định hướng rõ ràng. Lúc thi đại học chỉ có mục đích là thi tốt nhất cũng không có đam mê, theo đuổi một ngành học nào đấy. Em học quản trị chất lượng nhưng em vẫn chưa biết rõ công việc đấy làm ở những bộ phận nào".

Thiếu định hướng nghề nghiệp khi còn học phổ thông là lý do rất nhiều sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học với sự mơ hồ, loay hoay, không có động lực để học tập và lãng phí nhiều thời gian.

Một cuộc khảo sát 3000 sinh viên đã tốt nghiệp do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện cho thấy, 70% sinh viên chưa có định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

TS Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục cho rằng: Các trường phổ thông cần có giáo viên hoặc chuyên viên tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh khám phá bản thân, tiếp nhận thông tin về thế giới nghề nghiệp để đưa ra quyết định ở những thời điểm quan trọng, nhưng công tác này ở ta vẫn còn kém: "Giáo viên dạy các môn học về cơ bản không quan tâm đến hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Giáo viên chủ nhiệm được giao trách nhiệm không được bồi dưỡng, đào tạo đầy đủ nên họ phải dựa vào tài liệu hướng nghiệp cũ được biên soạn cách đây 15 năm không còn phù hợp.

Không có ai chuyên trách làm việc này đặc biệt là không có ai giúp các em khám phá bản thân, tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, không có kết nối với thị trường lao động nên học sinh khó đưa ra được quyết định cần thiết".

Định hướng nghề nghiệp không chỉ có ý nghĩa với cuộc đời mỗi sinh viên mà còn quyết định chất lượng nguồn lực lao động trẻ. Dù vậy, công tác này vẫn chưa được coi trọng như nhận định của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

"Bây giờ định hướng nghề nghiệp dựa trên giá trị kinh tế chứ không phải giá trị xã hội. Công tác định hướng nghề nghiệp vẫn được coi đơn giản đến thời điểm nào cần đưa ra lựa chọn thì chọn chứ không có quá trình trải nghiệm nghề nghiệp, tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu như nào, có phù hợp với bản thân hay không.

Có nhiều bạn đến trung học phổ thông, bước ngoặt rồi vẫn chưa xác định được đam mê. Để hướng nghiệp hiệu quả phải có 3 quá trình: giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp. Chúng ta mới chỉ làm được một khía cạnh thôi".

Việc thiếu định hướng nghề nghiệp khiến các bạn không có động lực học tập, dễ chán giảng đường và lãng phí thời gian (Ảnh: Bruce Mars)

Việc thiếu định hướng nghề nghiệp khiến các bạn không có động lực học tập, dễ chán giảng đường và lãng phí thời gian (Ảnh: Bruce Mars)

Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phù hợp với nhu cầu của xã hội được quy định trong Nghị quyết 29 năm 2013 và Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.

Nhưng chính sách này vẫn chưa được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo cần khắc phục những bất cập trong việc hướng nghiệp cho học sinh và các trường đại học cũng có trách nhiệm tham gia vào quá trình hướng nghiệp này:

"Trường đại học không phải chỉ chờ đợi học sinh khi đã chọn trường mà là đồng hành cùng với học sinh từ khối trường phổ thông để cùng với các em có sự trải nghiệm nghề nghiệp. Ví dụ như trường đại học thì có lợi thế rất là lớn là có cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm và công nghệ mới.

Chúng ta tổ chức những chương trình giới thiệu cho các em học sinh từ phổ thông đến trường đại học. Các trường đại học cũng có thể tổ chức các dự án ở trường cấp III, thì tôi nghĩ là các em sẽ có những trải nghiệm từ rất sớm. Khi các em có thời gian trải nghiệm, các em sẽ tìm được việc mà các em yêu thích".

Theo báo cáo xu hướng tuyển dụng được TopCV thực hiện, gần 76% doanh nghiệp ưu tiên ứng tuyển nhóm ứng viên có từ 1-2 năm kinh nghiệm để có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo.

Đây là thách thức với những sinh viên đang loay hoay với định nghĩa nghề nghiệp và học trái ngành nghề. Mà trước mắt, việc thiếu định hướng nghề nghiệp khiến các bạn không có động lực học tập, dễ chán giảng đường và lãng phí thời gian.

Mỗi người có thể làm tốt nhất một công việc hay một ngành học khi đó là lĩnh vực mình yêu thích

Mỗi người có thể làm tốt nhất một công việc hay một ngành học khi đó là lĩnh vực mình yêu thích

Gia đình, nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ để các bạn trẻ tìm ra định hướng nghề nghiệp sớm. Còn chính bản thân mỗi người mới là chủ thể trong việc tìm kiếm đam mê- bệ phóng, nền tảng mang lại động lực học tập, trau dồi kiến thức, có công việc phù hợp.

Để mỗi cá nhân đủ tự tin, chủ động định hướng nghề nghiệp từ sớm phải trao cho người trẻ rất nhiều niềm tin và phương pháp đúng. Dưới góc nhìn của VOVGT, cần “Giáo dục tự thân để người trẻ không phải đi đường vòng".

Loay hoay, mơ hồ về tương lai không chỉ là tình cảnh của cá nhân sinh viên nào. Học để có tấm bằng, tốt nghiệp trường tốp đầu, học vì gia đình, chỉ cần tiếp tục đi học... vô vàn lý do quen thuộc này là mục tiêu đến trường của rất nhiều người trẻ.

Chừng nào "người học" vẫn đang đứng ngoài vòng trung tâm của quá trình giáo dục, còn chưa học vì chính mình, chừng ấy người trẻ sẽ vẫn thiếu đi động lực học tập và phải đi vòng rất xa. Hệ quả là các em mất 5 năm, 10 năm thậm chí cả cuộc đời không tìm được việc mình muốn làm và làm cho tốt. Xã hội lãng phí nguồn nhân lực khi mất công tuyển mà không "dụng" được.

Một sinh viên ngành sư phạm có rất nhiều "kịch bản tương lai" sau khi ra trường. Lấy được tấm bằng sư phạm nhưng không biết "trồng người" sao cho đúng/ Không lấy được bằng sư phạm nhưng lại là chuyên gia giỏi do tự nghiên cứu, dạy thêm và lơ là việc học trên trường/ Vừa có bằng, vừa giỏi nghề.

Chỉ có sinh viên này mới có thể quyết định tương lai của mình diễn tiến theo kịch bản nào bằng việc hiểu rõ động cơ thực sự bên trong mình suốt quá trình học tập. Cách tìm ra động lực bắt đầu từ những câu hỏi cơ bản: Mục tiêu của việc học là gì? Học cái gì để đạt được mục tiêu đó? Và học như thế nào?

Ở Australia, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã có những môn học tự chọn để phát triển khả năng của bản thân.

Xuyên suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường là một chuỗi hành trình giáo dục tự thân, bao gồm các yếu tố như: Rèn luyện sự tự tin, tự lập, tự nghiên cứu, chủ động trong suy nghĩ, thẳng thắn trao đổi ý kiến, tự lựa chọn nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. Học đại học không phải lựa chọn duy nhất. Các em ở đây có rất nhiều sự lựa chọn và ít người thấy lo lắng ở ngưỡng cửa đại học.

Muốn như vậy, gia đình, nhà trường phải trao cho các bạn quyền tự quyết khi đã giúp chuẩn bị hành trang cần thiết. Nhà trường không chỉ dừng lại ở giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, mà chính kinh nghiệm thực tế là điều quan trọng giúp sinh viên theo đuổi đam mê của mình.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên cần được trải nghiệm các kỳ thực tập khác nhau tại các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân... là nơi các bạn tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, quan hệ rất hữu ích sau này.

Cùng với đó là hỗ trợ của gia đình luôn quan sát, lắng nghe, luôn động viên, đồng hành cùng con trong việc tìm kiếm, nuôi dưỡng và hình thành đam mê.

Mỗi người có thể làm tốt nhất một công việc hay một ngành học khi đó là lĩnh vực mình yêu thích. Sự năng động, tầm nhìn rộng mở sẽ giúp các bạn sinh viên không phải đóng khung với một quyết định học tập và sau này là nghề nghiệp mà mình không có hứng thú.

Nếu thấy bế tắc đừng ngại "gap year", một năm, hai năm dừng lại để suy nghĩ về tương lai. Và cuối cùng, nếu không tìm thấy thứ mình thích hãy thích thứ mình có.

Hà Kiều/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-dinh-huong-nghe-nghiep-sinh-vien-de-chan-giang-duong-post1045022.vov