Thiếu dưỡng khí hơn 30 phút, thợ lặn kẹt dưới đáy biển sống sót kỳ diệu
ANH - Những gì diễn ra với Chris Lemons, một thợ lặn người Anh, đã trở thành một trong những câu chuyện sinh tồn đáng chú ý nhất trong suốt lịch sử hơn 50 năm của ngành dầu khí Biển Bắc.
Theo hãng tin BBC và Insider, tháng 9/2012, Chris Lemons cùng hai người khác lặn xuống đáy biển để sửa chữa một đường ống dẫn tại giàn khoan dầu ở Biển Bắc. Trong khi Chris đang lặn bên dưới tàu Bibbly Topaz thì máy tính định vị động của tàu bị hỏng, khiến nó trôi dạt khi có gió lớn và biển động.
"Dây rốn" - cụm đường ống dày 5cm cung cấp khí oxy, nhiệt, đường dây liên lạc, điện cho đèn và máy ảnh trên mũ bảo hiểm cho thợ lặn của Chris bị đứt khiến anh chỉ còn đủ oxy trong 5 phút và rất ít cơ hội được cứu sống. Sau khi sự cố xảy ra 40 phút, đội thủy thủ trên tàu Topaz mới tái kiểm soát được con tàu và đưa nó trở lại vị trí cũ, kéo Chris từ dưới đáy biển lên.
Vào thời điểm này, hai thợ lặn Dave Yuasa và Duncan Allcock cho rằng đồng nghiệp của mình đã chết. Tuy nhiên, dù không được cung cấp oxy trong hơn 30 phút, nhưng Chris vẫn sống sót kỳ diệu, không bị thương tổn hay chịu tác hại lâu dài nào của việc bị thiếu oxy trong thời gian dài.
Làm thế nào Chris vẫn sống sót vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, có một giả thuyết cho rằng cơ thể của Chris đã bão hòa với oxy, nhờ loại khí đặc biệt mà thợ lặn thở, nên Chris có thể sống sót.
Câu chuyện sống sót có thật, phi thường của Chris đã được dựng thành phim tài liệu "Hơi thở cuối cùng".
Trải nghiệm kinh hoàng
Ngày 18/9/2012, Chris cùng hai đồng nghiệp Dave Youasa và Duncan Allcokc lặn xuống biển ở độ sâu 91m để sửa một đường ống của giàn khoan dầu. Trong khi đang sửa chữa, Chris nghe thấy báo động.
"Chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với người giám sát lặn là Craig - lúc đó đang ở trên tàu, thông qua một tai nghe ở bên trong mũ bảo hiểm. Việc nghe thấy báo động là không có gì bất thường vì đôi khi mọi người kiểm tra đường dây liên lạc. Tuy nhiên, ngay sau đó, Craig yêu cầu chúng tôi phải quay trở lại chuông lặn (thiết bị đưa thợ lặn xuống đáy biển và trở lại bề mặt) càng nhanh càng tốt. Chúng tôi có thể nhận ra sự khẩn cấp trong giọng nói của anh ấy rằng đó không phải là diễn tập mà là việc gì đó rất nghiêm trọng", Chris kể lại.
Khi đó, Chris và Duncan không biết con tàu đang di chuyển. Máy tính giữ con tàu ở đúng vị trí cần thiết gặp trục trặc. Đúng lúc đó, "dây rốn" của Chris bị mắc vào khung kim loại và các đồng nghiệp không làm cách nào giúp được anh.
Chris nhớ lại : "Ban đầu, dây cáp liên lạc bị đứt. Sau đó, ống dẫn khí căng tới mức tôi không thở được. Tôi mở thiết bị cung cấp khí đeo sau lưng. Việc này diễn ra trong khoảng 30 giây. Ngay sau đó, "dây rốn" bị đứt và tôi rơi xuống đáy biển. Tôi cố tìm đến nơi mà chúng tôi đã làm việc và leo được lên đỉnh của nó. Tuy nhiên, chuông lặn không còn ở đó và tôi tính toán rằng khí ô xy chỉ còn đủ cho khoảng 2 - 3 phút. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ kết thúc cuộc sống ở đây".
Cơ hội Chris được cứu hầu như không tồn tại. Người thợ lặn này nói: "Tôi bất lực, không thể làm gì để tự cứu mình. Một sự cam chịu lặng lẽ bao trùm lên tôi". Sau đó, Chris bất tỉnh.
Sống sót thần kỳ
Các đồng nghiệp của Chris đã nỗ lực hết sức để định vị anh dù tin rằng họ chỉ đang tìm kiếm một thi thể. Dave sau đó kéo được Chris về chuông lặn và hồi sức cho đồng nghiệp. Thật kỳ diệu, Chris đã tỉnh lại.
Kể từ khi ngất đi tới lúc được cứu là 35 phút, dù không có nguồn cung cấp khí trong một thời gian dài như vậy nhưng Chris vẫn ổn, không bị tổn thương não.
Người thợ lặn này nói: "Tôi cho rằng chính cái lạnh cực độ của nước biển đã làm các chức năng của tôi chậm lại. Ngoài ra, loại khí mà chúng tôi thở có nồng độ ôxy cao đã bão hòa các mô và tế bào của tôi và giúp tôi sống sót".
Ba tuần sau tai nạn, Chris đã trở lại biển cùng đội của mình và kết hôn với Morag Martin vài tháng sau đó.