Thiếu giải pháp mang tính đột phá để phát triển ngành lâm nghiệp

Dự thảo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5% - 5,5%/năm.

Hội thảo tham vấn Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hội thảo tham vấn Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo tham vấn Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 5/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, chiến lược cần có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ môi trường và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp mang tính đột phá đó là phát triển cơ sở hạ tầng như cơ sở cho chế biến, phòng cháy, chữa cháy rừng...; dịch vụ môi trường rừng và lâm sản ngoài gỗ; ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống, quản lý bảo vệ rừng…
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu trong dự thảo chiến lược để tạo động lực cũng như tính khả thi thực hiện cao như: tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp; dịch vụ môi trường rừng, chứng chỉ rừng bền vững... Có các chỉ tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng rừng.
"Chẳng hạn về chỉ tiêu chứng chỉ rừng bền vững, trong dự thảo đặt ra vẫn quá thấp, không đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới. Ngành lâm nghiệp cần hướng tới mục tiêu rừng cung cấp lâm sản cơ bản phải quản lý rừng bền vững. Do đó, có thể tính toán đến năm 2025, nếu rừng không đạt quản lý rừng bền vững thì không cho khai thác", Thứ trưởng Hà Công Tuấn gợi ý.
Thứ trưởng cũng chỉ ra, dự thảo còn “vắng bóng” của lâm sản ngoài gỗ, trong khi đây là loại sản phẩm những năm gần đây có tăng trưởng rất cao, mang lại giá trị kinh tế cao.
Góp ý cho dự thảo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn những cơ chế, chính sách trong giai đoạn qua để thấy rõ các chính sách có tác động, ảnh hưởng thế nào đến phát triển ngành lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Dương cũng đặt vấn đề, việc tăng 1% tỷ lệ che phủ rừng trong giai đoạn 2025-2030 liệu có khả thi khi kinh tế đất nước đang phát triển. Tuy chỉ 1% nhưng đây vẫn là con số rất lớn nên cần tính toán về tính khả thi. Do đó có nên dừng lại ở tỷ lệ che phủ 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Về khoa học công nghệ, ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng, ngoài ứng dụng trong nghiên cứu, chọn tạo giống cần có sự đột pháp về ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thế giới đang có tư duy hướng tới kinh tế xanh, gỗ là vật liệu “xanh” thực thụ, vật liệu thân thiện với môi trường, giúp giải quyết vấn đề về phát thải khí nhà kính. Đây sẽ là một trong những yếu tố tác động đến thương mại đồ gỗ thời gian tới.
Việt Nam đã trở thành trung tâm đồ gỗ lớn của thế giới và sự cần thiết là phải xây dựng hình ảnh gỗ Việt thân thiện với môi trường và phát triển có trách nhiệm. Bởi câu chuyện gỗ hợp pháp là vấn đề sống còn với thương mại đồ gỗ Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài cho hay.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 bình quân đạt 4,87%/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 bình quân đạt 4,87%/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau 15 năm thực hiện Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và các chương trình, đề án về phát triển lâm nghiệp, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn.

Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng dự kiến đạt 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 bình quân 4,87%/năm và tiếp tục tăng trưởng ổn định. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài năm 2020 ước đạt trên 12 tỷ USD.

Nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng bình quân giai đoạn 2011-2020 là 1.650 tỷ đồng/năm, chiếm gần 20% tổng đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thực hiện Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 dựa vào 7 chỉ tiêu cơ bản; trong đó 4 chỉ tiêu đạt và vượt là: tốc độ giá trị sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung; sản lượng gỗ khai thác; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Có 3 chỉ tiêu chưa đạt là đóng góp GDP của lâm nghiệp; diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững và đạt 10 triệu m3 gỗ lớn; nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.
Dự thảo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5% - 5,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và duy trì ổn định đến năm 2030.

Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ: đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23-25 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42% năm 2025 và ổn định ở mức 43% vào năm 2030.
Phát triển các dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu; thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỷ đồng/năm đến năm 2025, trên 4.000 tỷ đồng/năm vào 2030./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thieu-giai-phap-mang-tinh-dot-pha-de-phat-trien-nganh-lam-nghiep/176879.html